Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là hai vế của một vấn đề và đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Song trong lúc tái cơ cấu nền kinh tế đã được khởi động và thực hiện, thì đổi mới mô hình tăng trưởng dường như lại chậm nhịp.
Ở đây, việc tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, nợ xấu… đang khiến những nỗ lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế, cũng như đổi mới mô mình tăng trưởng không đạt kết quả như mong muốn.
Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII, đang diễn ra tại Hà Nội |
Chính bởi vậy, trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đặt câu hỏi về việc chúng ta chưa nhận thức đúng và thống nhất về mô hình tăng trưởng mới, với đầy đủ những yếu tố cấu thành động lực, nguồn lực và phương thức tạo ra sự tăng trưởng; thậm chí còn nhìn nhận giản đơn, đồng nhất mô hình tăng trưởng với mô hình phát triển. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ việc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chậm, chưa có bước đột phá về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường.
Thực tiễn chỉ ra rằng, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, mang lại hiệu suất kinh tế cao, thif phải phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường và cần có biện pháp tiếp cận mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, vì tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, nên phân bổ nguồn lực vẫn mang đậm cơ chế “xin - cho”. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm thì chưa thể thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và ngược lại. Bởi thế, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp… Cũng bởi thế, nếu không muốn tụt hậu xa hơn, muốn thành công trong công cuộc Đổi mới, thì phải quyết liệt thực hiện song hành tái cơ cấu nền kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đây là nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh nội hàm mô hình tăng trưởng của Việt Nam còn nhiều bất cập, như tốc độ tăng trưởng gần đây bị suy giảm, nguy cơ tụt hậu thấy rõ. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước lại chưa thực sự “xắn tay” đổi mới tư duy; vai trò, chức năng của Nhà nước trong khâu thực hiện còn hạn chế… Như vậy, một khi chưa có quyết tâm chính trị đủ lớn, thậm chí chấp nhận hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn, thì chưa thể tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả.
Hiện Đề án về Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cùng Đề án về Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang được hoàn thiện, trình Chính phủ và báo cáo tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII. Đây phải được coi là những văn kiện quan trọng để phát triển đất nước, từ đó, tập hợp được những chuyên gia hàng đầu, những nhà lãnh đạo hàng đầu để mổ xẻ, phân tích làm rõ cần phải tập trung làm những gì để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Không thể chậm trễ hơn. Đã đến lúc cần có tư duy đột phá mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế. Đã đến lúc phải tập trung tìm kiếm mô hình phát triển mới, có tầm nhìn dài hạn để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cho đột phá phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đã đến lúc, phải nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng một số mô hình kinh tế mang tính hiện đại, cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Đã đến lúc không thể để việc tái cơ cấu nền kinh tế chậm trễ thêm nữa…
Đó là mệnh lệnh của nền kinh tế, mệnh lệnh của sự nghiệp Đổi mới.