Meta bị cáo buộc vi phạm các quy tắc chống độc quyền của EU bằng cách bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường dành cho quảng cáo được phân loại trực tuyến. Ảnh: AFP |
Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - cho biết họ phát hiện Meta đã vi phạm các quy tắc chống độc quyền của EU bằng cách bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường dành cho quảng cáo được phân loại trực tuyến.
Ủy ban châu Âu cáo buộc Meta gắn kết Facebook Marketplace - nền tảng cho phép người dùng liệt kê rao bán các mặt hàng - với mạng xã hội Facebook của "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ. Ủy ban châu Âu lo ngại rằng sự dàn xếp này mang lại cho Facebook Marketplace một "lợi thế phân phối đáng kể mà các đối thủ cạnh tranh không thể sánh kịp".
Bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch phụ trách chính sách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu, cho biết việc Facebook kết hợp với Marketplace khiến người dùng "không có lựa chọn nào khác ngoài quyền truy cập vào Facebook Marketplace".
"Hơn nữa, chúng tôi lo ngại rằng Meta áp đặt các điều kiện giao dịch không công bằng, cho phép nó sử dụng dữ liệu về các dịch vụ quảng cáo được phân loại trực tuyến cạnh tranh", bà Vestager cho biết trong một tuyên bố.
"Nếu được xác nhận, các hoạt động của Meta sẽ là bất hợp pháp theo quy tắc cạnh tranh của chúng tôi", bà Vestager cho biết.
Ông Tim Lamb, Trưởng bộ phận thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Meta, cho rằng: "Những tuyên bố của Ủy ban châu Âu là không có cơ sở".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để chứng minh rằng sự đổi mới sản phẩm của chúng tôi là hướng tới người tiêu dùng và cạnh tranh", ông Lamb nói thêm.
Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra về Meta vào tháng 6/2021, xem xét "hành vi tiềm ẩn phản cạnh tranh của Facebook".
Việc đưa ra tuyên bố kháng nghị một công ty là một bước chính thức trong các cuộc điều tra cạnh tranh của Liên minh châu Âu và không ảnh hưởng đến kết quả của cuộc điều tra.
Tuy nhiên, sau khi công ty bị cáo buộc thực hiện biện hộ cho mình mà Ủy ban châu Âu vẫn xác định đủ bằng chứng về hành vi vi phạm, thì công ty đó có thể buộc phải thực hiện điều chỉnh phương thức kinh doanh hoặc bị phạt tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu.
Đối với Meta, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đạt 117,92 tỷ USD doanh thu vào năm 2021, điều đó có thể đồng nghĩa với một khoản phạt trị giá lên tới 11,8 tỷ USD.
Án phạt sẽ là bất lợi lớn đối với Meta bởi doanh nghiệp này đang phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư khi chuyển hướng sang phát triển mảng miếng mới metaverse (thế giới ảo). Giá cổ phiếu của Meta đã giảm hơn 60% trong năm nay trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ nói chung đều lao dốc.
Cùng ngày 19/12, Ủy ban châu Âu đã chấm dứt cuộc điều tra về mối quan hệ đối tác giữa Meta và Google mà trước đó bị cáo buộc cản trở cạnh tranh trong công nghệ quảng cáo.
"Sau khi đánh giá cẩn thận tất cả các bằng chứng có liên quan, bao gồm thông tin nhận được từ Google, Meta và các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, Ủy ban châu Âu kết luận rằng các bằng chứng đó không xác định được những lo ngại ban đầu và cho nên đã quyết định chấm dứt cuộc điều tra", Ủy ban châu Âu cho biết.