Doanh nghiệp
MHI muốn viết tiếp câu chuyện thành công ở Việt Nam
Nhã Nam - 31/05/2018 21:17
Xác định Việt Nam sẽ là thị trường trọng tâm cho sự phát triển của tập đoàn, Mitsubishi Heavy Industries (MHI - Nhật Bản) đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam, trong đó bao gồm nhà máy nhiệt điện, thiết bị trong máy bay thương mại, máy phát điện bằng diesel.

“Chúng tôi dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và đã nhìn thấy các cơ hội để MHI có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường này”, ông Jun Shirota, Trưởng Đại diện Tập đoàn MHI tại Việt Nam đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư khi được hỏi về vai trò của Việt Nam trong chiến lược của MHI tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Nhìn thấy các cơ hội mới, MHI sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp công nghiệp đa ngành đáp ứng nhu cầu hạ tầng cơ bản của Việt Nam, cũng như các gói giải pháp nhằm củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất. 

Ông Jun Shirota, Trưởng Đại diện Tập đoàn MHI tại Việt Nam tự tin cho biết, các giải pháp đa ngành của MHI có thể giúp Việt Nam phát triển các nhu cầu về hạ tầng và hỗ trợ các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển.

Chẳng hạn, gói hệ thống tiết kiệm năng lượng (Energy Saving System) cho các khu công nghiệp hiện tại và khu công nghiệp mới, hay gói giải pháp phát triển đô thị toàn diện (Urban Development Total Package), rồi gói giải pháp nhà máy toàn diện (Factory Total Package), cũng như gói dây chuyền sản xuất (Production Line Package), nhằm giúp các nhà máy của Việt Nam giảm chi phí sản xuất bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, nâng cao hiệu suất…

“Gói giải pháp sân bay toàn diện hay hệ thống chuyên chở theo tuyến tự động cũng là những giải pháp mà chúng tôi sẵn sàng cung ứng, nhằm hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về du lịch hàng không và hạ tầng sân bay”, ông Shirota cho biết.

Là một tập đoàn kỹ thuật và sản xuất hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp tích hợp - sáng tạo trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, từ máy bay thương mại và giao thông - vận tải đến các nhà máy điện và tua bin khí, từ máy móc công nghiệp và hạ tầng đến hệ thống quốc phòng tích hợp và hệ thống không gian…, từ rất sớm, MHI đã thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhằm tận dụng được các cơ hội từ thị trường mới nổi, đầy tiềm năng Việt Nam. 

Nhưng không chỉ là văn phòng đại diện, MHI đã thành lập cơ sở sản xuất với hai công ty thành viên là MHI Aerospace Việt Nam (MHIVA) - chuyên sản xuất các linh kiện máy bay thương mại và MHI Engine System Việt Nam (MHIESV) - chuyên sản xuất máy phát điện diesel, sản xuất các bộ phận máy phát điện diesel, bán hàng và hậu mãi.

Theo ông Shirota, với việc thành lập MHIVA và MHIESV, MHI mong muốn tạo cơ hội việc làm, phát triển sự nghiệp và hỗ trợ cho niềm đam mê của các kỹ sư trẻ tài năng tại Việt Nam và thông qua đó, truyền cảm hứng đến họ về tương lai phát triển của ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam.

Trên thực tế, không phải tới khi phát triển hai nhà máy này, mà ngay từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1994, Tập đoàn MHI đã tham gia tích cực vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, như công nghiệp điện, sản xuất xi măng… Mitsubishi Hitachi Power System (MHPS), một công ty liên doanh của Tập đoàn MHI đã là nhà cung cấp giải pháp, thiết bị cho các nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Điện Chu trình hỗn hợp Phú Mỹ 1. MHI cũng đã cung cấp máy nén ly tâm cho Nhà máy Đạm Ninh Bình và hệ thống thu hồi CO2 cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ…

Đặc biệt, sau khi thành công sản xuất cánh tà cho Boeing 737 trong khuôn khổ nhà máy với diện tích 4.500 m2 tại Khu công nghiệp Thăng Long từ năm 2009, MHI Aerospace Việt Nam cũng đã mở rộng sang sản xuất các cửa hành khách cho máy bay Boeing 777 tại nhà máy thứ 2 rộng 6.500 m2 từ năm 2014. 

“Chúng tôi tin rằng, tất cả những dự án MHI đã thực hiện đều là những thành tựu quan trọng của Tập đoàn. Chính nhờ các dự án này đã củng cố mối quan hệ hợp tác giữa MHI với khách hàng địa phương và là minh chứng cho năng lực của chúng tôi để mang đến các giải pháp đột phá cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau tại thị trường Việt Nam”, ông Shirota khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư.

Nhưng không dừng lại ở đó, mong muốn của Tập đoàn MHI là tiếp tục viết nên câu chuyện thành công ở thị trường Việt Nam, bởi thành công ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đối với riêng thị trường này, mà còn giúp Tập đoàn MHI có thêm một bước tiến chiến lược trong mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí, bước đi này cũng sẽ hỗ trợ sáng kiến của MHI trong việc thiết lập một chuỗi cung ứng hiệu quả, nhằm củng cố cho năng lực cạnh tranh của Tập đoàn. 

“Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với sự phát triển của Việt Nam, không chỉ trong thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, mà trong cả các hoạt động nhằm làm sao giúp người dân Việt Nam có được cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Shirota nhấn mạnh. 

Hơn 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, MHI cũng được ghi nhận là một trong những công ty rất tích cực trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với hàng loạt chương trình nhằm hỗ trợ thanh niên Việt Nam và giúp phát triển nhân tài bản địa. Các chương trình trao tặng học bổng, cũng như tài trợ các chương trình trao đổi sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam du học tại Nhật Bản và được thực tập tại MHI…, đã liên tục được thực hiện và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác