Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Cụ thể, Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề nghị UBND 24 quận, huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra về điều kiện khởi công công trình xây dựng. Trong đó, Sở yêu cầu các công trình cần treo biển báo và niêm yết giấy phép xây dựng tại công trường theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM. Ngoài ra, giấy phép xây dựng cũng phải được niêm yết tại trụ sở UBND các phường, xã, thị trấn để phục vụ việc giám sát, theo dõi.
Lý giải về yêu cầu này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết, việc công khai giấy phép xây dựng là cần thiết để phục vụ việc giám sát tốt hơn. Không chỉ với các công trình lớn, mà các công trình nhỏ, nhà dân cũng cần thực hiện việc niêm yết giấy phép tại nơi thi công.
“Theo quan điểm của tôi, nếu đã có giấy phép thì cứ công khai thôi, không việc gì phải giấu. Điều này cũng không gây ảnh hưởng gì tới các công trình”, ông Hoan cho biết.
Không quá để nói rằng, lâu nay, tình trạng xây dựng bát nháo, vi phạm diễn ra tràn lan ở nhiều đô thị lớn của cả nước. Đã có những dự án xây vượt nhiều tầng, thậm chí, có khu đô thị xây vượt hẳn vài tòa chung cư… mà vì một lý do nào đó không được phát hiện kịp thời. Người dân xung quanh biết dự án đang được triển khai xây dựng, nhưng chỉ có thể “ý kiến” về tiếng ồn, về thời gian thi công, về ô nhiễm môi trường… nếu có, chứ không thể biết dự án này có triển khai đúng giấy phép xây dựng hay không.
Khoản 1, Điều 109, Luật Xây dựng quy định: Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng. Nội dung biển báo gồm: a) Tên, quy mô công trình; b) Ngày khởi công, ngày hoàn thành; c) Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng; d) Bản vẽ phối cảnh công trình.
Trên thực tế, quy định này đã được hầu hết doanh nghiệp thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, trong phần thông tin về giấy phép xây dựng chỉ sơ sài về số giấy phép, ngày tháng cấp phép, chứ chưa có đầy đủ các thông số về quy mô dự án như giấy phép xây dựng đầy đủ.
Và chính việc chưa bắt buộc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình đã khiến cho ở nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư đã đánh liều xây dựng sai phép, trái phép. Một trong những vi phạm phổ biến là giấy phép một đằng, thi công một nẻo, nếu cơ quan chức năng phát hiện thì xin “phạt cho tồn tại”.
Nhưng dưới áp lực của dư luận, không phải công trình nào cũng có thể “được” phạt một ít tiền rồi cho tồn tại.
Hãy thử đặt vấn đề, nếu giấy phép xây dựng được niêm yết công khai tại công trường dự án 8B Lê Trực, Hà Nội, người dân và nhất là khách hàng có thể giám sát và lên tiếng nếu dự án xây vượt tầng, thì hậu quả của hành động vi phạm sẽ không đến mức trầm trọng và khó xử lý như bây giờ.
Do đó, động thái đi đầu của TP.HCM lần này sẽ giúp có thêm hàng ngàn, hàng vạn tai mắt trong dân để giám sát trật tự xây dựng. Khi được giám sát bởi nhiều người hơn, kỷ luật xây dựng sẽ được bảo vệ và các doanh nghiệp hẳn sẽ phải tuân thủ nghiêm túc hơn.
Nói rộng hơn, minh bạch thông tin vốn là điều thị trường bất động sản Việt Nam còn thiếu. Do đó, việc minh bạch hóa thông tin đến tận chân công trình lại càng là điều cần được triển khai. Và các chủ đầu tư cũng cần nhìn nhận tích cực về quy định này, bởi nếu là doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, thì dự án, công trình chỉ được thi công khi đã có giấy phép. Thậm chí, các doanh nghiệp cần coi việc niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình, như một bảo chứng, khẳng định tính hợp pháp của dự án.
Nếu các địa phương khác cũng thực hiện chủ trương này, thì hoạt động giám sát của người dân sẽ có hiệu lực đáng kể và tình trạng “dự án ma” sẽ khó có đất sống.