Chợ Kim Biên được mệnh danh là chợ “tử thần”, bởi tại đây nhiều loại hóa chất bày bán tự do, gây nguy hiểm cho cộng đồng |
Khẳng định tính cấp thiết
“Số lượng hóa chất tiền thuốc nổ ở chợ Kim Biên dư sức san bằng toàn bộ một quận”. Đó là lời Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM, sau vụ nổ hóa chất kinh hoàng ở Chi nhánh Công ty Đặng Huỳnh (quận 12) làm 3 người tử vong, 5 người bị thương và 86 căn nhà thiệt hại hồi năm 2014.
Kim Biên là ngôi chợ chuyên kinh doanh hóa chất ở quận 5, TP.HCM, được mệnh danh là chợ “tử thần”, bởi tại đây rất nhiều loại hóa chất được bày bán tự do, từ chất hóa học dùng trong thí nghiệm đơn giản, chất phụ gia thực phẩm, chất phụ gia công nghiệp, thậm chí là những chất dễ gây cháy nổ như NH4NO3, Clo, KNO3, Brom, H2SO4...
Trước sự cấp thiết di dời người kinh doanh tại chợ Kim Biên và nhu cầu doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn, UBND TP.HCM đã giao Sở Công thương nghiên cứu xây dựng khu tập trung kinh doanh hóa chất, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất tập trung của Chính phủ.
Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM về công tác quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động hóa chất trên địa bàn thì trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp luật mới như Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Luật Phòng chống ma túy; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Bảo vệ môi trường được ban hành với nhiều điểm mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất số 06/2007/QH12, sửa đổi năm 2018.
Những thay đổi này cùng với xu hướng chuyển hệ thống quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải cách, hiện đại hóa hành chính, dẫn tới việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất phải thay đổi theo, làm giảm tính hài hòa, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động hóa chất.
Tới năm 2016, TP.HCM chấp thuận Đề án Xây dựng Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất (viết tắt là Trung tâm hóa chất). Theo đề án trên, Dự án Trung tâm hóa chất diện tích gần 11 ha trên địa bàn quận 8, tổng vốn đầu tư hơn 1.350 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2016, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định về tính cấp thiết phải xây dựng Trung tâm hóa chất. “Không chỉ là chuyện dễ xảy ra cháy nổ, mà còn là sức khỏe của người dân Thành phố. Thị trường hóa chất và hương liệu đang phát triển, bất cứ một ngành nào, doanh nghiệp sản xuất nào cũng đều có nhu cầu sử dụng. Việc buôn bán vô tội vạ như hiện nay là rất nguy hiểm”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến còn đề nghị xây dựng trung tâm hóa chất phải có quy mô tầm cỡ khu vực, phục vụ nhu cầu sản xuất cho doanh nghiệp của cả nước.
Tập đoàn Tuần Châu vào cuộc
Theo phương án được duyệt, Sở Công thương TP.HCM đưa ra chi tiết lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm hóa chất như sau: từ tháng 8/2016 đến tháng 10/2016, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng; từ tháng 3/2017 đến tháng 11/2017, khởi công xây dựng; tổ chức di dời và chính thức đưa vào vận hành từ tháng 12/2017.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chủ đầu tư được chỉ định là Tập đoàn Tuần Châu. Đây là một trong 3 dự án trọng điểm được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng lúc bấy giờ.
Tới đầu năm 2017, UBND TP.HCM giao Sở Công thương phối hợp UBND quận 5 xây dựng kế hoạch di dời các hộ cá thể, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất, hương liệu, các kho hóa chất tại chợ Kim Biên và đưa vào Trung tâm hóa chất trong năm 2017.
Các sở, ngành có trách nhiệm hỗ trợ Tập đoàn Tuần Châu hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến xây dựng dự án này.
Nhưng tới giữa năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất dừng triển khai dự án. Nguyên nhân là do phát sinh một số vướng mắc pháp lý, đồng thời vị trí này cũng không phù hợp với quy hoạch của Thành phố.
Sau khi tập đoàn này rút lui, TP.HCM quyết định tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Lúc đó, bên cạnh Tập đoàn Tuần Châu, có 3 nhà đầu tư khác ngỏ ý muốn được thực hiện dự án. Sau đó, Dự án Trung tâm hóa chất hoàn thành giai đoạn I, công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Chồng lấn ranh với dự án khác
Những tưởng dự án “tầm cỡ khu vực” sẽ triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, khi triển khai giai đoạn II của dự án đã phát sinh hàng loạt vấn đề như: khung pháp lý thực hiện dự án thay đổi; chưa có cơ sở xác định giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu; thay đổi quy mô diện tích thực hiện dự án do chồng lấn ranh với dự án khác; mức độ đô thị hóa mạnh xung quanh khu đất thực hiện dự án.
Vì thế, tháng 5/2022, UBND TP.HCM có Văn bản số 3642/VP-KT nêu rõ, khu đất thực hiện Dự án Trung tâm hóa chất tại quận 8 không còn phù hợp về vị trí, phạm vi đầu tư, mục tiêu dự án; việc tiếp tục triển khai dự án tại địa điểm nêu trên là không khả thi và không đảm bảo về hiệu quả kinh tế - xã hội.
Kết cục, các sở, ngành lại đề xuất chuyển địa điểm xây dựng Trung tâm hóa chất đến Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 10 ha.
Theo cơ quan chức năng TP.HCM, hiện nay có rất nhiều sản phẩm chứa các thành phần là tiền chất công nghiệp, hóa chất thuộc danh mục đủ điều kiện và hạn chế được phân loại nguy hiểm như: các loại hóa chất kỹ thuật được sử dụng làm chất tẩy cặn, tẩy dầu trong công nghiệp bảo dưỡng ô tô, cơ khí, hàn xì, xây dựng, nhưng các đơn vị kinh doanh kê khai có thể sử dụng làm chất tẩy rửa sử dụng trong lĩnh vực gia dụng.
Vì chưa có hướng dẫn cụ thể của Cục Hóa chất (Bộ Công thương), nên cơ quan quản lý địa phương còn lúng túng, khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời cũng gây ra sự bất đồng quan điểm giữa cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn.
Chủ đầu tư Khu công nghiệp Minh Xuân 3 đồng ý dành một phần quỹ đất trong khu công nghiệp này để xây dựng Trung tâm hóa chất.
Tới tháng 6/2024, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) có Văn bản số 1587/BQL-ĐT gửi Sở Công thương, thông tin về việc triển khai dự án đến thời điểm trên vẫn chưa đúng tiến độ đã thống nhất.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG, Công ty chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề, quy mô, diện tích… Việc này ảnh hưởng đến quy trình lập dự án và việc thi công xây dựng kho xưởng phục vụ theo nhu cầu.
Để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vì dự án này rất cấp bách, Hepza đề nghị Sở Công thương hỗ trợ thống kê số lượng các doanh nghiệp di dời, chủng loại hóa chất, quy mô, diện tích… để lập phương án, kế hoạch và tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng.
Dự kiến, thời gian thực hiện các thủ tục và hoàn thành công trình xây dựng để đi vào hoạt động khoảng 18 tháng. Trong trường hợp tiến độ không đúng như đã thống nhất, Hepza sẽ dành diện tích 10,6 ha này để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu tiên khác.
Vẫn tiếp tục… mịt mù
Theo Sở Công thương, các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật xây dựng QCVN 01:2008/BXD. Theo đó, mật độ xây dựng bị khống chế theo diện tích và chiều cao xây dựng. Để tối ưu diện tích sàn xây dựng, các đơn vị cần áp dụng quy chuẩn kỹ thuật xây dựng QCVN 01:2021/BXD.
Do đó, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG cần phải lập hồ sơ gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND Thành phố ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng 1/2.000 của khu đất dự án theo quy chuẩn mới.
Trong khi đó, thời gian thực hiện dự án theo thống nhất với Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG là đến cuối năm 2025. Tức quỹ thời gian còn lại không nhiều.
Thế nhưng, để triển khai dự án, theo quy trình thủ tục sẽ mất ít nhất 3 năm nữa. Cụ thể, việc thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch mất khoảng 1-2 năm; xây dựng thiết kế cơ sở dự án và hoàn thiện pháp lý về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy mất thêm 1 năm.
Trước vấn đề thời gian bị kéo dài như trên, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đề xuất thay đổi vị trí thực hiện dự án trong Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 để đảm bảo kế hoạch kinh doanh của Công ty, nhưng vẫn đảm bảo quy mô và các phân khu chức năng đã đề cập tại các cuộc họp trước đó.
Như vậy, theo UBND TP.HCM, việc triển khai Dự án Trung tâm hóa chất giờ này lại phụ thuộc phần lớn vào chủ đầu tư Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Điều đó có nghĩa, Dự án Trung tâm hóa chất “tầm cỡ khu vực” lại tiếp tục mịt mù thời gian hoàn thành.