Không công bố khoản tiền mà các thành viên Mitsubishi Nhật Bản phải bỏ ra để nâng tỷ lệ sở hữu tại VinaStar là bao nhiêu, song song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện MMV cho biết, coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất, nên việc đồng nhất thương hiệu toàn cầu này chính là bước đi chiến lược của Mitsubishi Motors, đồng thời thể hiện cam kết gắn bó lâu dài và bền vững của hãng nhằm tiếp tục mang đến cho khách hàng Việt Nam những sản phẩm, dịch vụ chất lượng Nhật, đẳng cấp thế giới.
Đây có thể cũng là bước đi quan trọng để Mitsubishi giành quyền chủ động nhiều hơn trong việc sản xuất và phân phối các sản phẩm ô tô tại thị trường Việt Nam. Với tỷ lệ sở hữu 82%, Mitsubishi gần như đã nắm toàn quyền điều hành liên doanh này.
Thông tin cho biết, VinaStar là một trong những liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm các đối tác liên doanh là Công ty Sản xuất ô tô Mitsubishi, Công ty Thương mại Mitsubishi (Nhật Bản), đối tác Proton (Malaysia) và Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông - vận tải (TRACIMEXCO - Việt Nam), với vốn đầu tư ban đầu 53 triệu USD.
“Với việc tăng tỷ lệ sở hữu trong liên doanh lần này, chúng tôi chủ yếu tăng vốn đầu tư mua lại cổ phần từ đối tác Proton của Malaysia”, nguồn tin từ Mitsubishi nói và cho biết, trước đây, hãng phân phối xe tải FUSO và có đối tác là Proton của Malaysia. Với cơ cấu mới, Mitsubishi sẽ tập trung kinh doanh mảng xe du lịch và giữ vai trò đưa ra những quyết định chính trong hoạt động kinh doanh.
Được thành lập năm 1994, VinaStar chuyên lắp ráp và phân phối độc quyền các nhãn hiệu ô tô Mitsubishi và Proton. Những năm gần đây, VinaStar đã không ngừng tung ra thị trường các dòng xe Mitsubishi Triton, Pajero Sport, Outlander Sport… và đã nhận được sự đánh giá cao của thị trường. Năm 2015, VinaStar (Mitsubishi) tiêu thụ được hơn 4.145 xe, tăng 80% so với năm 2014..., có thể nói đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của thị trường ô tô Việt Nam.
Sau một thời gian “bùng nổ”, những năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam chững lại. Các vấn đề cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách thuế thay đổi nhiều, khiến không ít liên doanh ô tô khó khăn, có công ty có ý định rời bỏ thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư hồi năm ngoái, ông Tetsuro Aikawa, Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Motors Nhật Bản (hiện đã rời vị trí này) cho biết, trong 20 năm qua, Mitsubishi đã dày công xây dựng, tìm tòi, nghiên cứu và tích lũy để có được thành công tại thị trường Việt Nam và vẫn đang tiến về phía trước. Do vậy, Mitsubishi hoàn toàn không có ý định và không bao giờ có ý định rời bỏ thị trường Việt Nam.
“Mitsubishi sẽ tập trung nhiều hơn vào xe SUV, bán tải và xe điện như là những sản phẩm chủ lực và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, là thị trường chiến lược”, ông Tetsuro Aikawa nói và cho biết thêm rằng, trên cơ sở thuế nhập khẩu xe từ Đông Nam Á, Mitsubishi sẽ có những điều chỉnh về chiến lược đầu tư tại Việt Nam và việc mở rộng đầu tư, tăng sản lượng lắp ráp sẽ được Mitsubishi cân nhắc trong tương lai.
Trong bối cảnh này, xem ra, tăng sở hữu và đổi tên công ty chính là một trong những lời khẳng định cho cam kết “ở lại lâu dài” tại thị trường Việt Nam của Mitsubishi.
Thông tin cho biết, cùng với việc đổi tên và “bước sang trang mới”, những “tân binh” được nâng tầm đẳng cấp với ngôn ngữ thiết kế toàn cầu mới DYNAMIC SHIELD dự kiến cũng được Mitsubishi giới thiệu đến khách hàng Việt Nam trong năm nay.
“Mục tiêu của hãng là tạo nên một thế hệ sản phẩm mới có thiết kế vượt trên kỳ vọng của khách hàng và vẫn thể hiện trọn vẹn “Mitsubishiness” - “chất Mitsubishi” dựa trên các giá trị di sản cốt lõi vốn có”, ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc Mitsubishi Motors Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, tương lai của Mitsubishi tại Việt Nam sẽ thế nào còn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư kinh doanh mới của Tập đoàn, khi thương vụ Nissan chi 2,2 tỷ USD mua 34% cổ phần của Mitsubishi được dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.
CEO Nissan - Carlos Ghosn đã từng gọi thương vụ này là “một giao dịch đột phá và có lợi" cho cả 2 công ty. Dù vậy, việc này vẫn cần giới chức Nhật Bản và cổ đông Mitsubishi thông qua.
Nếu được chấp thuận, thương vụ có thể biến Nissan thành cổ đông lớn nhất của Mitsubishi Motors.