Không muốn tiếp tục chậm chân
Quỹ đầu tư ASEAN PE thuộc Mizuho Bank (Nhật Bản) quyết định sẽ giải ngân 33 triệu USD vào hai dự án tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới. Ngay trong tháng 2 này, một dự án ở Việt Nam cũng sẽ nhận được khoản đầu tư của Quỹ đầu tư ASEAN PE. Tuy nhiên, số vốn cụ thể cho dự án ở Việt Nam chưa được tiết lộ.
| ||
Vietcombank chọn bán cổ phần cho Mizuho Bank vì đối tác này vào cuộc sớm nhất và đáp ứng mọi tiêu chí về vốn và kỹ thuật. Ảnh: Đức Thanh |
Giới phân tích cho rằng, dường như ngân hàng này đang cố gắng khắc phục sự chậm chân của mình tại thị trường ASEAN, khi các đối thủ đồng hương là Mitsubishi UFJ Financial Group Inc và Sumitomo Mitsui Financial Group Inc, đang mở rộng và phát triển nhanh chóng.
Cụ thể, hai dự án đầu tiên được sử dụng nguồn vốn từ quỹ này là dự án của một công ty Nhật Bản kinh doanh nhà hàng tại Indonesia và một dự án năng lượng tại Philippines.
Trong đó, Quỹ đầu tư 16,7 triệu USD để đổi lấy 14,9% cổ phần tại một doanh nghiệp điều hành hệ thống nhà hàng tại Indonesia. Doanh nghiệp này cũng có kế hoạch liên kết với Công ty Royal Holdings, một doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng ăn tại Nhật Bản, để mở rộng dây chuyền dịch vụ.
Tại Philippines, Quỹ đầu tư 15 triệu USD vào dự án năng lượng vi sinh. Tuy nhiên, có vẻ như đây sẽ không phải là dự án duy nhất của ASEAN PE trong lĩnh vực này, vì nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang bày tỏ mối quan tâm tới lĩnh vực năng lượng vi sinh tại Đông Nam Á.
Mizuho Bank thành lập quỹ đầu tư này vào tháng 10/2012, có trị giá 200 triệu USD, với sự góp vốn của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào khu vực ASEAN. Quỹ đầu tư này được vận hành bởi Công ty Mizuho Asia Partners Pte., Ltd đặt tại Singapore.
Sau hai dự án này, Mizuho Bank sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp châu Á. Chiến lược của Mizuho là đầu tư vào những doanh nghiệp nhỏ nằm ngoài tầm mắt của các quỹ đầu tư lớn, với khoảng 2-3 dự án đầu tư mỗi năm.
Ngoài việc góp vốn, đầu tư vào ASEAN, Quỹ mong muốn đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp địa phương trong khu vực được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.
Theo ông Yasuhiro Sato, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Mizuho Bank, khu vực ASEAN được xếp hạng chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ về tiềm năng phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này làm cho ASEAN trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm vị trí đầu tư mới của họ để mở rộng ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy khó khăn để mở rộng ở nước ngoài, do những thách thức như tìm nguồn cung ứng từ các đối tác địa phương, thu hút đầu tư và quản lý các hoạt động ở nước ngoài.
“Quỹ cũng sẽ tìm kiếm và đầu tư vào các công ty ASEAN - khu vực có tiềm năng trở thành cơ hội tốt cho đầu tư của các công ty Nhật Bản. Điều này sẽ thúc đẩy để tạo ra các liên minh chiến lược giữa các công ty Nhật Bản và các công ty khu vực ASEAN”, ông Yasuhiro Sato nói.
Thực tế, các ngân hàng của Nhật Bản thành lập rất nhiều quỹ đầu tư, song hiếm quỹ đầu tư hướng ra thị trường Đông Nam Á. Tình hình có vẻ đã khác khi một đối tác tư vấn của Mizuho Bank cho hay, từ năm 2013, Nhật Bản thực hiện chính sách rút 22% công ty của Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc. Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), đầu tư của nước này vào Trung Quốc ngày càng giảm sút, do chi phí nhân công gia tăng và một số yếu tố khác.
Trong làn sóng đó, các ngân hàng và công ty bảo hiểm Nhật Bản phải lên kế hoạch thâm nhập lâu dài vào thị trường ASEAN, khi tại thị trường Nhật Bản, họ đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Trong năm 2013, các ngân hàng Nhật Bản đã công bố giá trị giao dịch tại khu vực ASEAN lên tới 8,2 tỷ USD.
Cách đây 2 năm, ông Yasuhiro Sato cũng đã từng nói về kế hoạch, trong vòng 3 năm tới, ngân hàng sẽ tìm cách tiếp tục mở rộng ở nước ngoài bằng cách mua lại một vài ngân hàng tại châu Á, hoặc một ngân hàng thương mại của Mỹ.
Trước đó, năm 2011, Mizuho Bank mua 15% cổ phần trong Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 567 triệu USD. Rồi trong khi “hôn nhân” chỉ mới bắt đầu, Mizuho Bank lại đánh tiếng muốn mua thêm 5% cổ phần của Vietcombank.
Nhỏ mà hiệu quả
Đối với các công ty hoặc các quỹ Nhật Bản có quy mô nhỏ hoặc trung bình đang muốn vươn ra thị trường nước ngoài, thì Việt Nam có thể là địa chỉ hấp dẫn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ. Lý do là nếu như tại thị trường Trung Quốc rộng lớn, quy mô vốn đầu tư có thể cần tới vài trăm triệu USD, thì tại Việt Nam, khoản đầu tư vài triệu USD cũng có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
“Theo Mizuho, các cơ hội sinh lời đối với họ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, vì hai đối tượng này đang rất cần hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm quản trị”, nhà tư vấn chiến lược nói và cho rằng, tại Nhật Bản, ngân hàng cũng được coi là nhà cung cấp và chính sách chung của họ là nhà cung cấp cũng ngân hàng sẽ đồng hành với khách hàng. Một quỹ đầu tư không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn làm được nhiều hơn thế. Nếu thấy cơ hội tốt tại thị trường Việt Nam, họ sẽ tham gia đầu tư.
Cũng phải nói thêm, Mizuho là một ngân hàng đứng thứ ba tại Nhật Bản, vì vậy, chuyện đầu tư ra nước ngoài là dễ hiểu vì khó dành lợi thế khi cạnh tranh với các ngân hàng lớn hơn. Hơn nữa, với tuổi đời trẻ, sự cởi mở, những người đứng đầu ngân hàng này nắm bắt cơ hội nhanh và dễ thích nghi ở thị trường mới hơn.
Chiến lược “săn mồi” của Mizuho đang tập trung vào hai cách. Thứ nhất, tại Nhật, họ sẽ đánh theo kiểu top down và bottom up. Tức là, người đứng đầu bên Nhật sẽ tiếp cận với tất cả các công ty khách hàng bên đó, sau đó người đứng đầu Mizuho Việt Nam mới tiếp quản và theo dõi.
Thứ hai, ngoài nước Nhật, cũng đang được họ làm rất mạnh, tiếp cận và cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng trong và ngoài nước.
Việc Nhật Bản xuất hiện thêm quỹ mới tại thị trường ASEAN chắc chắn sẽ làm thị trường cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư lọc lõi tại thị trường này, thì chuyện các quỹ quan tâm và đổ vốn vào Việt Nam cũng không phải là chuyện bất thường.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital nhận định, gia tăng số lượng quỹ đầu tư thì sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư của Mizuho là tập trung vào các công ty có quy mô nhỏ, giống như Mekong Capital, vì vậy “sẽ không đụng tới danh mục đầu tư tiềm năng của VinaCapital”.
Ông Andy Ho phân tích thêm, ưu điểm của các quỹ đầu tư Nhật là đầu tư theo hình thức chiến lược lâu dài, thiên về xây dựng nhà máy, nên nếu doanh nghiệp nào ở Việt Nam có “tên tuổi” thì đều nhận được đầu tư.
Chẳng hạn, với khoản đầu tư của Mizuho vào Vietcombank, có tới hơn 40 nhà đầu tư Nhật Bản muốn trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank, tuy nhiên, ngân hàng này lại chọn Mizuho, vì nhà đầu tư này biết vào cuộc sớm nhất và có đề xuất tài chính và kỹ thuật tốt nhất đối với các yêu cầu của Vietcombank.
Do đó, theo ông Andy Ho, khi quỹ đầu tư bỏ lượng tiền lớn, đầu tư dài lâu, thì doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ về nhiều yếu tố. “Mỗi quỹ có chiến lược đầu tư riêng. Mấy quỹ của Nhật có thể tuyên bố rầm rộ, tôi có tiền, có quyền, nhưng để biết có hiệu quả hay không thì chỉ cần hoạt động 3 - 4 năm là biết”, ông Andy Ho cho biết.
Anh Hoa