Cuộc chơi từ đỉnh tam giác
VinFast của Vingroup tiếp tục có bước đi thần tốc là hoàn tất hợp đồng sản xuất xe mẫu trị giá 5 triệu USD với nhà nhiết kế hàng đầu Pininfarina, mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ thương hiệu ô tô danh tiếng BMW.
Kế hoạch ra mắt 2 chiếc xe mẫu đầu tiên được xác định vào tháng 10/2018, tại triển lãm Paris Motorshow 2018 - một trong 5 triển lãm ô tô lớn nhất thế giới, bên cạnh Tokyo, Frankfurt, Geneva và Detroit.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép doanh nghiệp Việt chọn điểm xuất phát cùng với doanh nghiệp thế giới trong nhiều ngành, lĩnh vực. |
Trước đó, Vingroup đã công bố các nhân sự chủ chốt tham gia dự án VinFast là ông Võ Quang Huệ, cựu CEO Bosch Việt Nam và là người am hiểu về ngành ô tô ở vị trí Phó tổng giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast; bổ nhiệm ông James B.DeLuca, cựu Phó chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors làm Tổng giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VinFast...
Định vị sản phẩm cũng rất rõ ràng, với xe xăng sẽ đi từ phân khúc cao xuống, với xe điện sẽ đi từ thấp lên và ưu tiên nghiên cứu, phát triển đột phá xe điện...
Như vậy, chưa đầy 1 năm sau khi khởi công vào tháng 9/2017, Tổ hợp sản xuất VinFast sẽ có sản phẩm đầu tiên, sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Những hoài nghi về cuộc dạo chơi làm thương hiệu của một doanh nghiệp Việt đang dần được gỡ bỏ.
Nhưng, mọi việc không dừng lại ở các bài tính kinh doanh với lỗ lãi đơn thuần, mà là cách chọn cuộc chơi từ đỉnh tam giác của ông chủ Vingroup và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, chọn đầu ra cho sản phẩm trước khi tạo dựng các nền tảng công nghiệp sản xuất từng bước như cách kinh doanh truyền thống.
Với cách đi mà TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gọi là theo tư duy 4.0, logic không chỉ còn là doanh nghiệp Việt có thể sản xuất được ô tô, kể cả ô tô tiêu chuẩn quốc tế hay không, mà còn là thương hiệu ô tô Việt Nam có thể đi đến đâu.
“Nếu là ô tô chạy bằng xăng, Việt Nam đi sau và gần như không còn nhiều cơ hội để tạo nên sự khác biệt; nhưng nếu là ô tô điện, ô tô tự lái, các doanh nghiệp Việt và thế giới đang cùng ở vạch xuất phát, có khoảng 10 năm nữa chạy đua”, ông Thiên nói và nhắc tới 2 dấu mốc quan trọng vừa được công bố là Trung Quốc sẽ dừng sử dụng ô tô chạy xăng chuyển sang chạy điện vào năm 2030 và EU là năm 2040...
Cơ hội từ những giá trị... đảo lộn
Top 10 của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017, theo công bố của Vietnam Report vào cuối năm 2017, hầu như không có đột phá so với nhiều năm trước đó. Những tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng, khai khoáng, bất động sản tiếp tục có mặt. Trong top 10 của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017, thực trạng cũng tương tự.
Doanh nghiệp sẽ tìm cách thích ứng với thời cuộc nếu môi trường kinh doanh thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh mới. |
Nhưng mọi việc có thể sẽ khác đi, khi nhìn vào biến động của Top 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán của Mỹ những năm vừa rồi và 10 năm trước đó mà Đại học Chicago (Mỹ) đã lưu giữ số liệu kể từ năm 1925 đến nay.
Ở thập kỷ trước, những vị trí đầu bảng dường như định sẵn cho Exxon Mobil, General Electric - những doanh nghiệp già đời trong ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp nặng. Nhưng hiện giờ, các vị trí này thuộc về Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft - những thương hiệu non trẻ hơn nhiều trong ngành công nghệ. Chưa kể, các thương hiệu Amazon, Berkshire Hathaway, Facebook… thường xuyên có mặt trong Top 10...
Ông Brian Hull, CEO của ABB Việt Nam đã từng phải thốt lên khi nhìn vào danh sách này rằng, tương lai của các doanh nghiệp công nghiệp truyền thống có vẻ ảm đạm khi công nghệ đã phát triển đến mức mà con người có khi phải lo lắng nhiều hơn...
“Không ít tên tuổi toàn cầu đang “chết đuối” trong Big Data, với nhiều câu hỏi họ có thể làm gì để cạnh tranh. Chúng tôi phải thay đổi rất nhiều khi số hóa không còn là giấc mơ, các nhà máy thông minh đã ở khắp nơi trên thế giới”, ông Brian Hull chia sẻ kinh nghiệm mà những tên tuổi vốn thành danh từ cách kinh doanh truyền thống đang phải nỗ lực. Mục tiêu của họ không phải là níu giữ ánh hào quang cũ mà phải là tạo ra những giá trị mới.
Với ABB, đó là việc thiết lập mạng lưới toàn cầu với hội sở là trung tâm dữ liệu, vận hành, kết nối các hoạt động trên toàn cầu để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng của mình. Trong cuộc vận động này, doanh nghiệp quy mô lớn không còn là thế mạnh, mà là những doanh nghiệp sáng tạo, đi nhanh, thuận chiều trong dòng chảy công nghệ.
“Vấn đề không chỉ là công nghệ, mà là mô hình, cách thức sử dụng công nghệ đó như thế nào. Doanh nghiệp Việt có lẽ phải bắt đầu từ việc vượt qua sự quen thuộc, đặt cho mình mục tiêu lớn hơn, đó là thị trường toàn cầu, để xác lập tư duy mới”, ông Brian Hull nói.
Cuốn sách không dễ viết lời mở đầu
TS. Trần Đình Thiên đang muốn viết cuốn sách về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, nhưng chưa thể bắt đầu. “Tôi vẫn chưa hình dung được tốc độ của cuộc cách mạng này ập vào Việt Nam thế nào”, ông Thiên lý giải sự trì hoãn.
Không chỉ là tốc độ, những thay đổi thậm chí còn được gọi là phi truyền thống bởi sự bất thường mà ông Thiên gọi là những logic mới, nguyên lý mới của Cuộc cách mạng 4.0, khiến nhiều người lúng túng.
“Hiện tại, chúng ta đang bàn về Uber, Grab với những giả định, thử nghiệm..., nhưng rồi đây sẽ là tiền ảo với những cấu trúc vô cùng phức tạp. Doanh nghiệp đã tạo ra trò chơi, mở cánh cửa vào nền kinh tế sáng tạo, Nhà nước phải đưa chúng vào khuôn khổ. Vấn đề hiện tại là cần phải tư duy và vận động rất nhanh”, ông Thiên thừa nhận.
Sự lúng túng không chỉ ở Việt Nam, nhưng ở nhiều quốc gia, cuộc chơi đang được xác định không chỉ ở khá niệm, mà là các khoản đầu tư. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố cuối năm 2017 cho thấy, trong khi Thái Lan đang có kế hoạch nâng lên 4,0% GDP cho nghiên cứu đầu tư và phát triển; Trung Quốc dành 100 tỷ USD... Còn Việt Nam đang dành quá ít nguồn lực cho đầu tư và phát triển, với mức 0,5-0,6% GDP - khoảng 16.000 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đã từng thừa nhận, thực tế nhiều khi đi quá nhanh, khiến những người hoạch định chính sách như ông nhiều khi không biết định hướng thế nào, tuy rằng ai cũng hiểu, xu hướng này là tất yếu, nếu không vượt qua thì sẽ phải trả giá.
Mấu chốt là, người phải trả giá lớn nhất, nếu không vượt qua thách thức này không phải là các nhà hoạch định chính sách mà là cả nền kinh tế.
Câu hỏi khó của doanh nghiệp
Buổi đoàn viên cuối năm của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội lặng đi, khi một doanh nghiệp đặt câu hỏi muốn gửi tới Chính phủ: “Năm 2018, doanh nghiệp đã có thể làm ăn thực sự nghiêm túc được chưa, có thể tư duy đúng nghĩa 4.0 được chưa?”.
Trước đó, doanh nghiệp này đã nhắc tới những hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhắc tới cả cam kết tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh - doanh mới phát triển của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng họ không thể không nhắc tới lựa chọn không muốn lớn lên, không muốn chính thức hóa của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, dù quy mô doanh thu, lợi nhuận không hề nhỏ. Họ cũng chưa thể quên câu chuyện của giới start-up với những mối lo hình sự hóa...
Cũng như thời WTO tràn vào Việt Nam, cơ hội về càng nhiều thì lại đặt đất nước, nền kinh tế, doanh nghiệp vào thách thức càng lớn... Điều mà giới kinh doanh muốn nói lúc này là phải hành động thật, làm thật, của cả Chính phủ, từng công chức, từng địa phương, từng bộ phận 1 cửa mà họ làm việc trực tiếp, hàng ngày.
Doanh nghiệp sẽ tìm cách ứng phó với thời cuộc. Họ sẽ biết cách mở cửa nền kinh tế sáng tạo nếu môi trường thể chế, môi trường kinh doanh ủng hộ.