Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Tổng Liên đoàn muốn được quyết định chủ đầu tư dự án
Cuối tuần qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã có buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Nhà ở sửa đổi) về thực tiễn thi hành Luật Nhà ở.
Báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Luật Nhà ở hiện hành, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng Liên đoàn thực hiện việc triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động theo các cơ chế quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó có nội dung, địa phương giao đất cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn và các doanh nghiệp khác để đầu tư các dự án nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn. Tuy nhiên, mới có 3 địa phương ban hành quyết định giao đất cho Tổng Liên đoàn triển khai dự án thiết chế công đoàn. Nguyên nhân là do, Tổng Liên đoàn không thuộc đối tượng giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Nhưng ở Kỳ họp thứ năm vừa qua, việc “mở đường” cho Tổng Liên đoàn làm nhà ở xã hội đã được tính đến khi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định: “Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua”.
Đồng thời, là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, theo hướng: “Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân”.
Phó chủ tịch Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư nhà ở xã hội, mặc dù là hoạt động có tính chất kinh tế, nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp bất động sản, mà là phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo cho người lao động.
Về nguồn tài chính, vấn đề khiến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn ngay từ khi thẩm tra sơ bộ, ông Hiểu cho biết, vốn đầu tư nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn lấy từ nguồn tài chính công đoàn, đã được Luật Công đoàn quy định ở khoản chi cho “tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động” và “các nhiệm vụ chi khác”.
Từ thực tế trên, Tổng Liên đoàn nêu nhiều kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Luật Nhà ở.
Như, bổ sung các hình thức phát triển nhà ở xã hội, theo hướng: Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua. Đồng thời, xây dựng chế định có liên quan đến chủ thể đầu tư nhà ở xã hội là Tổng Liên đoàn.
Bổ sung quy định về chủ đầu tư nhà ở xã hội, theo hướng: Đối với nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Liên đoàn hoặc ngân sách nhà nước cấp cho Tổng Liên đoàn, chủ đầu tư dự án nhà ở do Tổng Liên đoàn quyết định.
Tổng Liên đoàn còn đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân của doanh nghiệp ở. Bổ sung quy định về các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. theo hướng: Nhà ở công nhân do Tổng Liên đoàn đầu tư bằng nguồn vốn tài chính công đoàn, vốn ngân sách nhà nước theo quy định.
Vẫn theo Tổng Liên đoàn, cần phải sửa đổi đồng bộ Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai để cho phép Tổng Liên đoàn được kinh doanh bất động sản (nhà ở xã hội, nhà lưu trú) và được giao đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua và nhà lưu trú.
Bám sát thực tiễn và cơ sở pháp lý
Tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng, Dự án Luật Nhà ở cần xây dựng theo hướng nhà xã hội, nhà cho công nhân chỉ để thuê và thuê mua, nhất là với dự án do Nhà nước đầu tư. Bởi vì, việc hạn chế sở hữu nhà ở xã hội sẽ tránh được tình trạng đối tượng thụ hưởng không phù hợp những vẫn được hưởng chính sách.
Sự tham gia của Tổng Liên đoàn trong đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động xét trong hiện tại và tương lai là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức đại diện cho người lao động “trung tâm và lớn nhất” trong bối cảnh có sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp cạnh tranh hoạt động với Công đoàn Việt Nam.
- Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Nếu dự thảo cho phép Tổng Liên đoàn được tham gia phát triển nhà ở xã hội, cần nghiên cứu theo hướng phát triển nhà ở thuê và thuê mua là chủ yếu, đảm bảo tính bền vững, ông Đồng Ngọc Ba nêu ý kiến.
Theo đại biểu, cần phân biệt nhà ở xã hội dành cho gia đình và mô hình nhà ký túc xá công nhân chỉ cho công nhân làm việc được ở. "Cách đầu tư, quản lý không gian sống, các thiết chế đi kèm cần phân định rõ. Dự thảo có thể nghiên cứu theo hướng cho Tổng Liên đoàn được xây ký túc xá cho công nhân để thuê và thuê mua", ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, việc chăm lo nhà ở cho công nhân là chức năng rất quan trọng của công đoàn, phục vụ quyền lợi ích chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ thể phải có chức năng kinh doanh mới có thể bán, cho thuê và thuê mua nhà ở. Còn theo Luật Đất đai, Tổng Liên đoàn cũng không phải tổ chức kinh tế, nên không thuộc nhóm được giao đất để đầu tư dự án nhà ở. Vì vậy, nếu Tổng Liên đoàn muốn tham gia vào lĩnh vực này cũng còn vướng luật hiện hành.
Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần làm rõ hơn cơ sở chính trị của việc Tổng Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ này. Đây là vấn đề các lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm.
“Phải bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản, kết luận liên quan, sau đó là cơ sở pháp lý và thực tiễn triển khai liên quan đến pháp lý để sửa đổi”, ông Tùng đề nghị.
Nhà ở xã hội nói chung và quy định mới về Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng là vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm trong cả thảo luận tổ về hội trường về Dự án Luật Nhà ở sửa đổi tại Kỳ họp thứ năm vừa qua. Tổng hợp các ý kiến của hai phiên này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có đại biểu đề nghị làm rõ đề xuất quy định Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; các tổ chức xã hội khác có được phép làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà xã hội như Tổng Liên đoàn hay không.
Tuy nhiên, ở cả báo cáo tiếp thu ý kiến thảo luận tổ cho đến khi trực tiếp hồi âm ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Nhà ở sửa đổi chỉ giải thích vắn tắt rằng, việc Tổng Liên đoàn tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.
“Mở đường” cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở xã hội đến đâu và như thế nào, vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội ở Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) khi việc sửa đổi 3 luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở hoàn tất.
Nhưng, có thêm thông tin thực sự thuyết phục, phúc đáp sự quan tâm của đại biểu Quốc hội thì “con đường” bước vào lĩnh vực mới của Tổng Liên đoàn cũng sẽ bằng phẳng hơn.
Theo dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được gửi kèm hồ sơ dự án luật, căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 25 m2, tối đa là 70 m2, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh tăng tiêu chuẩn diện tích sử dụng căn hộ tối đa, nhưng mức tăng không quá 10% so với diện tích sử dụng căn hộ tối đa là 70 m2 và bảo đảm tỷ lệ số căn hộ trong dự án xây dựng nhà ở xã hội có diện tích sử dụng trên 70 m2 không quá 10% tổng số căn hộ nhà ở xã hội trong dự án.