Đầu tư
“Mỏ neo” để hút đại gia công nghệ
Nguyên Đức - 11/09/2023 11:52
Cần nhiều cơ chế, chính sách, bao gồm cả ưu đãi đầu tư, để Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn các dự án công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo sự lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước.
Các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam. Trong ảnh: Lắp ráp điện thoại trong Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên.

Đại gia đổ vốn lớn, nhưng “dè sẻn” chuyển giao công nghệ

Nếu đặt câu hỏi về những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong vòng 5 năm qua, sau khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN vào năm 2018, thì câu trả lời chính là sự “đổ bộ” của các “đại gia” công nghệ thế giới, sự dồn dập “cập bến” của các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao. Đó là một bước chuyển mạnh mẽ, rất đáng ghi nhận.

Không chỉ là Samsung hay Intel, mà còn là LG, Panasonic, Bosch…, gần đây là Foxconn, Luxshare, Winston, Goertek… Hơn 100 tập đoàn đa quốc gia trong danh sách Fortune 500 đã có mặt tại Việt Nam, và nhiều trong số đó đã đầu tư các dự án công nghệ cao tại Việt Nam.

“Thời gian qua, thu hút ĐTNN trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nói như vậy tại Hội thảo về thu hút ĐTNN trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

Những kết quả tích cực mà Thứ trưởng Trần Duy Đông nhắc tới, đó là việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng. Cùng với đó, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ…; góp phần đưa doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu…

“Đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu” cũng là điều được các chuyên gia trong và ngoài nước nhắc đến lâu nay, kể từ sau khi Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất của nhiều “ông lớn” công nghệ toàn cầu.

Tuy vậy, những tồn tại, hạn chế cũng đã được Thứ trưởng Trần Duy Đông thẳng thắn chỉ ra. Không chỉ là công nghệ của nhiều dự án chỉ ở mức trung bình, mà quan trọng hơn, đó là tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế; mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp ĐTNN sang doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Liên quan vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Đình Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám sát công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hầu hết trong 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN thực hiện từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022 là giữa công ty mẹ và công ty con, không có hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong nước. Mặc dù có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng chỉ có 2 tập đoàn là Samsung và LG đầu tư trung tâm R&D quy mô lớn tại Hà Nội.

Trung tâm R&D của Samsung, vốn đầu tư 220 triệu USD, được khánh thành vào cuối năm 2022. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên và duy nhất đầu tư xây dựng riêng một trung tâm R&D quy mô lớn như vậy tại Việt Nam. Còn LG, vào đầu tháng 3/2023, cũng đã đưa Trung tâm R&D tại Hà Nội đi vào hoạt động, tập trung phát triển phần mềm và kiểm tra các sản phẩm trong xe, trong đó có thiết bị viễn thông, âm thanh…

Cần “mỏ neo” lớn để giữ chân và hút thêm “đại gia” công nghệ

Dù đã đạt những kết quả tích cực trong thu hút ĐTNN vào lĩnh vực công nghệ cao, nhưng tồn tại, hạn chế cũng vẫn còn. Hơn thế, thách thức mới cũng bắt đầu xuất hiện, không chỉ là những bất ổn của kinh tế toàn cầu, dẫn tới dòng ĐTNN sụt giảm, nhiều quốc gia đang ban hành chính sách để hút các tập đoàn quay về đất nước, mà còn cả các vấn đề liên quan đến chuyện một số quốc gia trên thế giới sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Tất cả đang ảnh hưởng đến thu hút ĐTNN nói chung, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nói riêng của Việt Nam…

Để thu hút và giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội và nhân lực chất lượng cao nội địa.

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông 

 

“Lâu nay, chúng ta đã dùng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một biện pháp quan trọng để thu hút đầu tư, nhưng nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, thì các chính sách đó không còn nhiều ý nghĩa, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia. Chúng ta cần có chính sách ưu đãi bổ sung để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nói.

Điều này cũng đã được nhiều nhà đầu tư, các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. “Dù ưu đãi thuế không phải là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu trong việc đưa ra quyết định đầu tư, nhưng nếu có ưu đãi thì vẫn hơn”, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham nói.

Dẫn câu chuyện về xu hướng gần đây, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng và phát triển trung tâm R&D tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh cho rằng, cũng cần có những cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp này, ưu đãi ngay cả với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, một lần nữa nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam sớm có những chính sách phù hợp để ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Đặc biệt, với các tập đoàn lớn, các dự án quy mô lớn, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, thì cần có chính sách ưu đãi, ưu tiên.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng, với các nhà đầu tư chiến lược, thì không loại trừ việc ưu đãi đầu tư bằng tiền mặt. “Nhiều nước tiên tiến cũng áp dụng chính sách này để thu hút các nhà đầu tư lớn, họ lấy đó làm ‘mỏ neo’ để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm”, ông Thi nói.

Theo ông Thi, để thu hút và giữ chân nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, phải xác định rõ các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên phát triển, gắn với đó là có chính sách phát triển cả chuỗi giá trị.

“Để ứng phó với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, phải chuyển dịch từ ưu đãi thuế quan sang phi thuế quan, gắn với chi phí của doanh nghiệp dành cho phát triển nhân lực, chuỗi cung ứng, R&D... Muốn phát triển công nghệ cao, phải có cả ưu đãi thuế cho cá nhân, như vậy mới nâng cao được năng lực đổi mới sáng tạo”, ông Thi nhấn mạnh.

Để không bỏ lỡ cơ hội “vàng”

Việt Nam đang có những cơ hội “vàng” để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Một trong những ngành được đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây chính là công nghiệp bán dẫn.

Gần đây, liên tục các dự án trong lĩnh vực này được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Không chỉ là Intel, nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, với dự án 1,5 tỷ USD ở TP.HCM, mà còn là Amkor, với dự án 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD. Không dừng lại ở đó, các dự án của Victory Gaint Technology, Runergy, hay của Hana Micron, Renesas, Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… trước đó cho thấy, Việt Nam dường như đang trở thành “bến đỗ” mới của ngành công nghiệp bán dẫn, sau khi đã trở thành “cứ điểm” của ngành công nghiệp điện tử.

Trung tuần tháng 7/2023, khi lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng đã nhấn mạnh việc trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Bà đã nhắc đến các dự án sản xuất chip của Intel tại TP.HCM, của Amkor tại Bắc Ninh và của Onsemi tại Đồng Nai… để nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ đang mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm lĩnh vực bán dẫn.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Janet Yellen đã nói như vậy.

Cách đây chưa lâu, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.

Cơ hội là không nhỏ, nhưng để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, có lẽ, cần nhiều chính sách đi kèm, không chỉ là ưu đãi đầu tư, mà quan trọng không kém là phát triển nhân lực chất lượng cao.

Hơn thế nữa, cũng cần sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để không chỉ thu hút, giữ chân được các “đại gia” công nghệ, mà còn là tạo sự liên kết với doanh nghiệp nội địa, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

“Trung Quốc có các quy định rõ ràng về việc nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, chúng ta thì không. Cần phải nghiên cứu về cơ chế, chính sách này”, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) nói.

Không chỉ vậy, theo ông Hùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Để thu hút và giữ chân “đại gia” công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo Dự thảo Nghị quyết, các hình thức hỗ trợ được đề xuất là hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ R&D. Các khoản hỗ trợ này được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước…

Động thái quan trọng này được cho là sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy ĐTNN vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tin liên quan
Tin khác