Việt Nam giành được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghiệp bán dẫn |
Từ những dự án tỷ USD
Kế hoạch sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên, vốn đầu tư trên 2,6 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm được hoàn tất.
Cùng thời điểm này, theo kế hoạch, một dự án tỷ USD khác trong lĩnh vực bán dẫn là Amkor, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, cũng sẽ đi vào hoạt động tại Bắc Ninh. Trong cuộc gặp với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cách đây chưa lâu, ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cho biết, Nhà máy đang được triển khai xây dựng đúng tiến độ, dự kiến hoàn công vào tháng 9/2023 và sản xuất thử vào tháng 10/2023.
Khi cả hai dự án tỷ USD trên chính thức sản xuất và xuất khẩu các linh kiện bán dẫn, cơ hội để công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển ngày càng được mở rộng. Chính ông Nguyễn Anh Tuấn đã nói rằng, Nhà máy Amkor tại Bắc Ninh là một trong những dự án trọng điểm về công nghiệp bán dẫn và là sự khởi đầu cho xu hướng thu hút đầu tư mới của tỉnh.
“Sự xuất hiện của Amkor sẽ góp phần quan trọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác trong ngành công nghiệp bán dẫn, chip tới Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng”, ông Tuấn kỳ vọng.
Thực tế, Việt Nam từ lâu đã giành được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghiệp bán dẫn. Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.
Khi thị trường toàn cầu “phát sốt” vì chất bán dẫn và trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển kể từ thương chiến Mỹ - Trung và đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, Việt Nam càng có nhiều cơ hội để đón dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Sau Intel, giờ đây Samsung cũng đã quyết định sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam.
Như vậy, 2 trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới (bao gồm TSMC, Intel và Samsung) đã có mặt tại Việt Nam. Và không chỉ những tên tuổi đó, thị trường gần đây ghi nhận nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này tìm đến Việt Nam. Amkor là ví dụ điển hình. Ngoài ra, còn Hana Micron, Renesas, Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor…
Đầu tháng 6/2023, Infineon Technologies AG - một công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT, đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội.
Theo ông Hartmut Hiller, Phó chủ tịch điều hành Bộ phận Thiết kế và các Dịch vụ hỗ trợ (DES), Infineon Technologies AG, trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ giúp Infineon Technologies đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng liên quan đến kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh cho các giải pháp về hệ thống trên chip (SoC) hàng đầu của Infineon.
Thông tin cho biết, trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch tăng trưởng năng lực tham vọng của DES. Về lâu dài, mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội trở thành một trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế, tương tự các trung tâm R&D quốc tế của Infineon hiện đặt tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore.
Đến các cơ hội tỷ USD
Một báo cáo của Gartner cho biết, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Điều này có nghĩa, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD.
Quy mô thị trường lớn cùng xu hướng thiếu hụt nguồn cung đã khiến nhiều “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực này. Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tập trung phát triển công nghiệp bán dẫn. Các quốc gia Đông Nam Á cũng chạy đua thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Đây được coi là “sự lựa chọn khôn ngoan” trong bối cảnh hiện nay.
Để không bỏ lỡ cơ hội tỷ USD, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng một đề án về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử, nhằm tạo động lực phát triển mới. Trong vài tháng gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cuộc làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài về nội dung này.
Chi tiết các cuộc làm việc không được tiết lộ, song các thông tin đều rất tích cực về mối quan tâm của các nhà đầu tư với các dự án bán dẫn tại Việt Nam - một thị trường gần đây được đánh giá là “mới nổi” trong lĩnh vực bán dẫn. Thậm chí, tờ Bloomberg từng đưa tin, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia đang nổi lên như những người “chiến thắng” khi Mỹ đa dạng hóa việc sản xuất chất bán dẫn và bớt phụ thuộc vào các trung tâm truyền thống.
Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, như Viettel, FPT cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Riêng FPT, tháng 9/2022, đã công bố sản xuất thành công chip vi mạch. Và mới đây, khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện FPT cho biết, tháng 3/2022, FPT Semiconductor được thành lập để tiếp nối giấc mơ bán dẫn của Việt Nam.
“Năm 2022, chúng tôi có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên, với 25 triệu chip trong 2 năm 2024 - 2025. Hiện nay, đã trải qua giai đoạn R&D, đến giai đoạn triển khai sản xuất hàng loạt. Chúng tôi cũng đã có đơn đặt hàng 2 triệu chip của đối tác Nhật Bản, dự kiến tháng 7 sẽ chuyển số lượng chip này sang Nhật”, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor cho biết.
Những thành công của FPT là bước đầu để công nghiệp bán dẫn phát triển, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã có 3 đề xuất với Chính phủ. Đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực; thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn, phát triển nguồn lực; và thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất wafer vào Việt Nam.
“Phải có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ. Ấn Độ đang tận dụng cơ hội và làm rất tốt việc này. Sau khi có một vài nhà máy sản xuất wafer của tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam, sẽ có cơ hội để xây dựng nhà máy wafer của chính tập đoàn Việt Nam”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng thừa nhận, vấn đề không chỉ nằm ở dung lượng thị trường, công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, logistics, mà còn là các chính sách phát triển kinh tế ngành, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này.
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, có lẽ, Việt Nam cần có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng hơn. Hơn nữa, ở một góc độ khác, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho rằng, ở điều kiện hiện nay, việc thu hút đầu tư và phát triển các dự án bán dẫn ở công đoạn đóng gói và kiểm tra (IC Packging and Testing - ICP) có lẽ là phù hợp hơn cả. Hiện nay, không nhiều ông lớn của ngành công nghiệp bán dẫn có thể đảm nhiệm cả khâu thiết kế (IC Design - ICD), sản xuất (IC manufacturing - ICM), và ICP.
Thực tế cho thấy, đầu tư cho nhân lực là bài toán vô cùng quan trọng với không chỉ Việt Nam, mà cả ngành bán dẫn toàn cầu nói chung. Sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này đang “làm khó” ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng với Việt Nam, câu chuyện này còn cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hơn 2 năm trước, AT&T (Áo) thay vì lựa chọn Việt Nam, đã chọn Malaysia để đầu tư dự án 2 tỷ USD trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là bài học quý giá cho Việt Nam.