Theo Báo cáo cập nhật thị trường FMCG Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 8/2019 do Worldpanel Division vừa phát hành, cà phê hòa tan và bia là 2 ngành hàng nổi bật ở thành thị (4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ) và khu vực nông thôn Việt Nam.
Báo cáo so sánh với cùng kỳ năm ngoái, từ tháng 5 đến tháng 8/2018.
Cụ thể tại thành thị, cà phê hòa tan duy trì tốc độ tăng trưởng 8% về giá trị và 10% về khối lượng, dù ngành hàng thức uống đang sụt giảm (giảm lần lượt 3,1% về giá trị và 5,7% về khối lượng từ tháng 5 đến tháng 8/2019).
60% hộ gia đình tại thành thị mua cà phê hoà tan và tiêu thụ khoảng 10g/hộ mỗi ngày (tăng 6%).
Trong khi đó, nhờ xu hướng mua hàng cao cấp hơn, bia tăng trưởng nổi bật ở khu vực nông thôn với mức tăng hai con số về giá trị (tăng 12%) và tăng 8% về giá trung bình sản phẩm.
Cà phê và bia là 2 ngành hàng tăng trưởng nổi bật nhất tại thành thị và nông thôn từ tháng 5 đến tháng 8/2019 so với cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: Worldpanel). |
Theo báo cáo tài chính quý II/2019, một số công ty thành viên của Tổng Công ty Bia Rượu giải khát Sài Gòn (Sabeco) như công ty bia Sài Gòn - miền Trung, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Sài Gòn - miền Tây,… đều có doanh thu thuần tăng lần lượt 45%, 12% và 10% nhờ tăng tiêu thụ các sản phẩm bia phân khúc giá bình dân như Sài Gòn Lager,…
Báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt dự đoán, thị phần của Sabeco có thể tăng 3%, từ khoảng 43% năm 2018 vào năm 2021. Dù Sabeco đang đẩy mạnh lượng bia được tiêu thụ tại khu vực nông thôn nhưng được đánh giá chiếm thị phần ít hơn tại thành thị - nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh giữa các hãng ngoại như Heineken, Sapporo, Budweiser,...
Theo Statista, tổng doanh thu thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,7 tỷ USD trong năm 2019, cùng tốc độ tăng trưởng 5,6%/năm giai đoạn 2019-2023 và đạt khoảng 9,6 tỷ USD vào năm 2023.
Mặc dù có hàng chục nhãn hiệu bia trên thị trường, nhưng hơn 90% thị phần thuộc về những thương hiệu hàng đầu là Sabeco, Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Carlberg Việt Nam và Heineken Việt Nam. Trong đó, Sabeco và Heineken là hai thương hiệu đang chia nhau hơn 60% thị phần.
Các nhà lãnh đạo của Habeco thừa nhận rằng, thị phần thị trường miền Bắc và miền Trung, hai thị trường chính của công ty, có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh Sabeco và Heineken tấn công mạnh mẽ vào các thị trường này.
Chẳng hạn, tại các khu vực trên, Sabeco tăng trưởng 32% với Sài Gòn Lager và 333, trong khi Heineken Việt Nam tăng trưởng với các sản phẩm Tiger với tỷ lệ lên tới 71%.
Cũng theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, chỉ riêng trong năm 2019, nếu tính doanh thu bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam chi trung bình 79,55 USD. Nếu tính bằng lít, người Việt Nam sẽ uống 4,6 tỷ lít, tương đương 47,6 lít mỗi người trong năm 2019 và 5 tỷ lít vào cuối năm 2023.
Trở lại Báo cáo cập nhật thị trường FMCG Việt Nam của Worldpanel, với kênh mua sắm, với các kênh mới nổi như online, siêu thị nhỏ/ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh đang dẫn dắt tăng trưởng tại khu vực thành thị.
Về giá trị, tại khu vực này, cửa hàng bách hoá chiếm 32% thị phần (tương đương cùng kỳ năm 2018). Theo sau đó là tiệm tạp hoá nhỏ với 21% thị phần, dù giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại nông thôn, kênh tạp hóa quy mô rộng hơn, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và đại siêu thị đang mở rộng và thu hút người mua mới, trong khi chợ truyền thống tiếp tục giảm thị phần.
Tiệm tạp hoá nhỏ chiếm 64% thị phần về giá trị (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018), cửa hàng bách hoá chiếm 11% thị phần (tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái).
Thị phần và tăng trưởng về giá trị của các kênh mua sắm tại khu vực thành thị và nông thôn (Nguồn: Worldpanel). |
Worldpanel Division đánh giá, dù chiếm chưa đến 1/5 thị phần FMCG, các kênh mới nổi (online, siêu thị nhỏ/ cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh) lại đóng góp đến 2/3 giá trị tăng trưởng của thị trường. Sự đóng góp này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai với sự xuất hiện của những mô hình bán lẻ mới ứng dụng công nghệ.