Xe du lịch vẫn là sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất, chiếm một nửa tổng doanh số ô tô bán ra toàn thị trường trong tháng 3.
Cụ thể có 12.858 xe du lịch được bán ra; 6.949 xe thương mại và 1.320 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 48%; xe thương mại tăng 109% và xe chuyên dụng tăng 222% so với tháng 2.
2.350 xe nhập khẩu nguyên chiếc được bán ra trong tháng 3 |
Sở dĩ lượng ô tô tiêu thụ mạnh trong tháng 3 là bởi các doanh nghiệp đã dần tháo gỡ được vướng mắc từ Nghị định 116. Cụ thể, trong tháng 3, Chính phủ Thái Lan cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) theo yêu cầu của Nghị định 116, một lượng lớn xe từ quốc gia này đã nhập khẩu trở lại Việt Nam. Ô tô từ Indonesia cũng rục rịch vào Việt Nam sau khi những rào cản được khơi thông.
Trong tháng 3, thị trường ghi nhận hơn 2.000 ô tô Honda nhập từ ASEAN về Việt Nam với 4 mẫu xe khác nhau gồm: Jazz, Accord, CR-V và Civic. Honda đã rất nhanh chóng thích nghi với các yêu cầu của Nghị định 116. Sự nhạy bén này đã đem đến cho Honda những kết quả tốt, công ty đã bán được 1.311 xe, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận giấy chứng nhận kiểu loại từ các thị trường Thái Lan, Indonesia, làn sóng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN đã bắt đầu rậm rịch về nước, mang theo những mẫu xe mới đang được trông đợi.
Theo thống kê của VAMA, Trường Hải vẫn khẳng định vị trí dẫn đầu doanh số toàn thị trường với tổng doanh số 8.548 xe, chiếm 40,8% thị phần. Tiếp theo là Toyota Việt Nam với 21,5% thị phần. Đứng thứ 3 là Ford Việt Nam với 9,1% thị phần.
Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 59.558 xe, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ôtô du lịch giảm 4%; xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng giảm 40%. Xét về xuất xứ, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 8% trong khi xe nhập khẩu giảm 48% so với cùng kì năm ngoái.