Nâng cao trách nhiệm người làm nghề
Tính đến tháng 11/2017, có hơn 18.000 người được cấp thẻ nhà báo trên cả nước, trong đó, báo in và báo điện tử là hơn 12.000 người. Trong số này, có một bộ phận xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động. Khuynh hướng giật gân, câu khách, dễ dãi trong trích nguồn hay hiện tượng “xào” tin, bài của báo khác diễn ra phổ biến.
Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018. Ảnh: Lê Toàn |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 do Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 26/12 tại TP.HCM, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra vai trò mờ nhạt của nhiều cơ quan chủ quản. Họ không chỉ không quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, định hướng nội dung mà còn khoán trắng doanh thu, không quan tâm đến hoạt động của báo, để một số tờ báo, nhà báo, phóng viên vi phạm pháp luật. Năm 2017 là năm số lượng phóng viên, nhà báo bị xử lý hình sự, bắt quả tang khi nhận tiền, vòi vĩnh nhiều hơn mọi năm.
Do đó, trách nhiệm từ các Tổng biên tập, thư ký Tòa soạn trong rút tít, đặt bài đến các phóng viên tác nghiệp cần được nâng cao hơn nữa.
“Truyền thông xã hội và công nghệ phát triển khiến phóng viên lười đi. Ví dụ những Hội nghị mà tôi tham dự, phóng viên chạy loạn lên để xin bài phát biểu của tôi dù chỉ đủ 50% thông tin rồi trích một vài câu để xong tin, bài. Ít có phóng viên nào ngồi tìm hiểu những thông tin nào phù hợp tôn chỉ hay đối tượng độc giả của tờ báo mình để rút tít và đưa nội dung phù hợp”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Năm 2018, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho biết, toàn ngành sẽ tập trung thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tôn chỉ, giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí cũng như phấn đấu triển khai quy hoạch báo chí. Bác sĩ bị rút giấy phép hành nghề thì không còn được khám, chữa bệnh. Trong khi, có nhà báo đã bị rút thẻ mà vẫn viết báo, thậm chí viết “cay nghiệt” hơn. Ngoài ra, có phóng viên bị truy tố trách nhiệm, sau khi ra tù vẫn được thu nạp và làm biên tập, khâu có tác động nhất định trong việc đặt tít, sửa nội dung bài. Đây là những sai phạm mà cơ quan chủ quản không thể vô can.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (đứng giữa) trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị. |
Hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, cán bộ báo chí là cán bộ chính trị. Do đó, mỗi cá nhân phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn. Thực tế, một số người làm nghề có kiến thức “mỏng”, bản lĩnh chính trị không vững vàng, thực tiễn không sâu sát, quy định pháp luật đối với vấn đề mình phản ánh không nắm chắc nhưng lại ảo tưởng về quyền lực, vị trí của mình. Chính vì vậy, họ sa vào suy thoái, “đẻ” ra các nhóm liên kết, chuyên chụp ảnh, viết bài vòi vĩnh, làm tiền không chỉ với doanh nghiệp mà cả với quan chức, cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh.
Có nguy cơ mạng xã hội chi phối, lấn át và dẫn dắt báo chí về thông tin. Ông Võ Văn Thưởng cho biết, sự phát triển mạnh của truyền thông xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tận dụng tối đa những mặt còn yếu, chưa được của đất nước để xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá. “Nếu không chống tiêu cực, nhóm đối tượng này cho rằng, chúng ta không chống tiêu cực mà chống tiêu cực thì lại nói chúng ta đang đấu đá nội bộ. Điều này đòi hỏi sự tự tin về đường lối, sự chỉ đạo của Trung ương, bản lĩnh của người làm nghề”, ông Thưởng nói.
Cần nghiên cứu có hệ thống về kinh tế báo chí
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 13.000 tỉ đồng trong năm 2017. Trong đó, tổng doanh thu trong lĩnh vực báo in và điện tử ước đạt khoảng 2.600 tỉ đồng và doanh thu của các đài phát thanh, truyền hình đạt hơn 10.500 tỉ đồng (trong đó doanh thu quảng cáo khoảng trên 8.900 tỉ đồng).
Nguồn thu quảng cáo trực tuyến dịch chuyển mạnh về các nền tảng xuyên biên giới. Bởi lẽ, 66% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chịu sự chi phối của Google và Facebook, 27% thị phần thuộc về các mạng lưới quảng cáo trực tuyến (Ad Network) trong khi các trang web trong nước (bao gồm cả báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội) chỉ chiếm 7%. Đây là một trong những lí do khiến các cơ quan báo chí không tự chủ được chi phí hoạt động và “biến tướng” về tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tới nội dung.
Chi phí “sản xuất” tác phẩm báo chí bị “đội” lên nhiều do chịu tác động từ phí bản quyền, đầu tư máy móc,...Đã có cơ quan báo hình địa phương bị yêu cầu truy nộp tiền thuê đất chục tỷ đồng, nơi đóng trụ sở.
Chia sẻ vấn đề này, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương cho biết, đã có một số tờ báo giải quyết vấn đề sụt giảm doanh thu bằng việc “quảng cáo” các chương trình dịch vụ, bài giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm.
“Hiện việc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng đang được đẩy mạnh mà hợp tác toàn diện như vậy phải có nguyên tắc và đặt ra có vấn đề lợi ích nhóm, kết hợp giữa quyền lực kinh tế và quyền lực thông tin hay không?”, ông Võ Văn Thưởng nói và thừa nhận, vì chưa có nghiên cứu một cách hệ thống về kinh tế báo chí nên vẫn có sự lúng túng trong việc đưa ra giải pháp hiệu quả.
Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Thời báo kinh tế Sài Gòn chia sẻ câu chuyện họ vừa bị truy thu tiền thuê mặt bằng trụ sở để thấy cần sự cần thiết trong hỗ trợ từ cơ quan quản lý giúp thay đổi tình hình, bộ mặt kinh tế báo chí hiện nay.
Kinh tế báo chí trở thành vấn đề quan trọng, đặc biệt đối với những tờ báo tự chủ kinh phí. “Nếu không hoàn thành trách nhiệm được với bản thân thì cũng khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị”, ông Hùng nói và diễn giải, tập quán bạn đọc thay đổi, lượng báo bán ra giảm, kéo theo quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng gây ra tình trạng doanh thu của báo chí giảm dần.
Đại diện này còn cho biết, đa số các cơ quan báo chí đang tập trung tài lực, vật lực phát triển báo trực tuyến nhưng đến nay, đây không phải một giải pháp có “đường ra sáng sủa”. Bởi, thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các trang mạng xã hội, với phần nhiều nguồn thu quảng cáo trên các trang trực tuyến rơi vào tay các “đại gia” như Google hay Facebook.
Ông đưa ra kiến nghị, báo chí nên thay đổi cấu trúc trong hoạt động kinh tế bằng việc hợp tác xây dựng mạng quảng cáo mới cho báo chí nước nhà, nói không với công cụ như Google hay Facebook.
“Tôi không nói chúng ta tẩy chay họ vì không cần ngây thơ để làm điều đó. Nhưng, có thể tẩy chay công cụ quản lý dịch vụ quảng cáo của họ. Làm được điều này cần có sự hợp tác và đồng lòng của tất cả các cơ quan báo chí và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý”, Tổng biên tập Thời báo kinh tế Sài Gòn nói.
Mặt khác, các cơ quan báo chí không nên tự giới hạn nguồn thu bởi quan niệm, báo trực tuyến khó thu tiền bạn đọc, rồi chỉ trông chờ vào doanh thu quảng cáo. Một số tờ báo lớn trên thế giới như New York Times thu phí bạn đọc trực tuyến và đạt một số tín hiệu khả quan như đã có 2 triệu độc giả sẵn sàng bỏ tiền mua thông tin trên trang trực tuyến, gấp đôi số lượng khách hàng bỏ tiền ra mua báo in.
Nhưng, để làm được việc này không dễ dàng mà mỗi cơ quan báo chí phải tự nâng cấp chất lượng tin tức của mình.
“Phải làm sao để độc giả thấy rằng, tin tức từ các cơ quan báo chí truyền thống có độ xác thực, đáng tin cậy hơn thông tin trên mạng thì ta mới có thể bán được. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ đấu tranh chống ăn cắp bản quyền”, ông Trần Minh Hùng nói.