Tại tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, bà Lê Minh Trang, Bộ phận Nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ cho hay, theo kết quả khảo sát vừa thực hiện, lượng người mua qua thương mại số là 60 triệu người. Mỗi ngày có 3,5 triệu lượt truy cập vào các trang thương mại điện tử. Số người mua sắm qua internet hằng tuần ở Việt Nam đạt vị trí thứ 11 toàn cầu, 90% người tiêu dùng có ý định duy trì và tăng sử dụng sàn thương mại điện tử trong mua sắm.
Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Còn số liệu từ nền tảng Cốc Cốc cho thấy, khoảng 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, trong đó có đến 71% người có mua hàng trong phiên livestream.
Một phiên livestream bán hàng của "chiến thần livestream" Hà Linh. |
Theo thống kê trong năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với tiêu dùng Việt Nam.
Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm.
Trong quý 1/2024, người Việt chi "mạnh tay" hơn cho mua sắm trực tuyến. Tính chung 5 sàn thương mại lớn tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo, doanh thu bán lẻ quý 1/2024 cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Metric.
Tháng 12/2023, UBND TP HCM phối hợp với TikTok tổ chức chương trình livestream tại Chợ Bến Thành, đạt doanh thu hàng hóa qua livestream (GMV) lên đến 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày phát trực tuyến.
Thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả chất và lượng. Trong đó, shopping livestream (mua sắm qua livestream) đang là hình thức phổ biến nhất trong các loại hình livestream hiện nay, chiếm tới 62%.
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong 10 năm vừa qua với góc độ 16-30%/năm. Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2023 của Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 là tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.
Tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng có thể nói, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế; trong đó, doanh thu thương mại mới chỉ chiếm 8 % trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Điều này còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là 90,4%.
Hơn nữa, vấn đề vi phạm người tiêu dùng trong thương mại điện tử còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong việc phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, thương mại điện tử nói chung cũng đang bộc lộ một số yếu tố chưa thực sự bền vững.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở một số thành phố lớn. Đối với các địa phương cũng mong muốn để có thể thu hẹp khoảng cách này. Đặc biệt, sự liên kết giữa các nội vùng cũng như là các vùng để tận dụng cơ hội hiệu quả như là nguồn lực, nguồn nguyên liệu hay là vận chuyển logistics.