Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100.000 người mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
6 tháng qua, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong quý 2 năm nay, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu người. Nếu như trong nửa đầu năm ngoái, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 54,4 triệu người, đến nay đã giảm xuống còn 51,8 triệu người (giảm 2,6 triệu người).
Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ như công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy... Đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong thập niên qua.
Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), phần lớn doanh nghiệp gia công dệt may, da giày, dịch vụ, du lịch đang chịu sức ép việc làm cho hàng triệu lao động. Nguồn nguyên liệu dự phòng của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt và thị trường chưa xuất khẩu được. Chính vì vậy mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn. Theo số liệu từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong quý 2 có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, 137 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép.
"Về bảo hiểm thất nghiệp, 7 tháng năm 2020, số lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 686 nghìn 214 người, tăng 32% so với cùng kỳ 2019. Những tháng năm 2019, bình quân 60-70 nghìn người nhưng năm nay bình quân mỗi tháng gần 100 nghìn người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Huy thông tin.
Theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 100.000 người mỗi tháng. |
Mặc dù thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, một số ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi việc làm, lao động bị ngừng việc nay đã trở lại thị trường. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người lao động.
Tính riêng ở TP. HCM, ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết, dự báo tới tháng 9 sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước đó, trong tháng 6 và 7 đã có khoảng 54.000 lao động của gần 2.000 doanh nghiệp bị cắt giảm, tháng 3-5 có khoảng 327.000 người lao động bị cắt giảm.
Trên cả nước, nhiều dự báo đến cuối năm có 70% doanh nghiệp và 3,5 đến 5 triệu lao động gặp khó khăn. Tuy nhiên, Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho rằng, từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. Song khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không thể xảy ra.
Trước diễn biến tiêu cực của thị trường lao động, Tổng cục thống kê kiến nghị đẩy mạnh thực hiện các gói hỗ trợ, đặc biệt là các gói hỗ trợ thu nhập. Chính phủ nên nghiên cứu các gói hỗ trợ đặc thù cho lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và người không có chuyên môn. Ngoài ra, cần đẩy nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích người lao động nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu trong trạng thái hiện nay.