Thời sự
Virus Corona khiến gần 1,3 triệu lao động thất nghiệp
Mạnh Bôn - 10/07/2020 16:12
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2020 giảm 2,4 triệu người so với quý trước, giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ 2019 - mức giảm nhiều nhất trong 10 năm qua.

“Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2020 giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê vừa cho biết tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2020.

Cả 3 khu vực đều giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm ở cả 3 khu vực kinh tế quý II/2020 đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm tương ứng 1,1 triệu người và 1,7 triệu người; công nghiệp và xây dựng giảm 497.400 người và 287.700 người; khu vực dịch vụ giảm hơn 778.000 người và 642.600 người.

“Điều này cho thấy, dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm ngặt và triệt để”, bà Thủy cho biết.

Đáng lưu ý là nhiều ngành nghề có số lượng lao động mất việc làm rất lớn như dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục, đào tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy… Và những người làm việc trong nhóm ngành nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật từ bậc trung trở lên bị virus Corona “tấn công” mạnh nhất với trên 16,5% số lao động “phải ra đứng đường” khi dịch Covid-19 tràn qua. Trong khi đó, chỉ có gần 8% số người lao động giản đơn bị mất việc và 6,6% thợ thủ công và thợ có liên quan bị mất việc.

Theo giải thích của bà Thủy, trong điều kiện bình thường, lao động có tay nghề, trình độ có tỷ lệ thất nghiệp, mất việc làm ít hơn vì họ có chuyên môn, kỹ thuật nên được quyền lựa chọn việc làm phù hợp, có thu nhập cao hơn, có điều kiện tốt hơn. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, cầm trừng, hàng loạt doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải đóng cửa, phá sản, ngừng hoạt động nên cơ hội tìm kiếm việc làm mới của đối tượng này khó khăn hơn rất nhiều vì họ khó có thể chấp nhận đi làm những công việc giản đơn.

“Hơn nữa, do có thu nhập cao hơn, có tích lũy, nên đối tượng này chờ đợi thời cơ để tìm công việc mới sau khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào ổn định. Trong khi đó, những người làm công việc giản đơn, “ráo mồ hôi là hết tiền” nên khi bị mất việc làm ở chỗ này họ phải xoay sở việc làm ở chỗ khác hoặc tự tạo việc làm, miễn là có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình nên tỷ lệ mất việc làm của khu vực này thấp hơn”, bà Thủy giải thích.

Không chỉ tình trạng mất việc làm gia tăng mà do đại dịch Covid-19 cũng khiến lao động thiếu việc làm gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý II vừa qua có 1,4 triệu người thiếu việc làm, tăng 292.000 người so với quý trước và tăng 648.400 so với cùng kỳ năm trước.

ILO: Số liệu thống kê của Việt Nam rất chính xác

Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện chỉ là 2,73%; tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước là 0,51 điểm phần trăm và 0,57 điểm phần trăm.

Tương tự, tỷ lệ thiếu việc làm chỉ chiếm tỷ lệ 2,92% lực lượng lao động đang làm việc, tăng tương ứng 0,76 điểm phần trăm và 1,5 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Phó giám đốc ILO, bà Valentina Barcucci: “Số liệu điều tra, khảo sát và công bố về lao động, việc làm cũng như tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của Việt Nam rất chính xác”.

Trước những thắc mắc về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của Việt Nam ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam vẫn là “trong mơ” với hầu hết các nước trên thế giới, Phó giám độc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, bà Valentina Barcucci khẳng định: “Số liệu điều tra, khảo sát và công bố về lao động, việc làm cũng như tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của Việt Nam rất chính xác”.

“Kết quả điều tra về tình hình lao lao động, việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện và công bố hàng quý có chất lượng rất cao, được cộng đồng quốc tế và khu vực đánh giá cao về mức độ tin cậy, khách quan và chính xác. ILO thực sự ấn tượng trước hành động Tổng cục Thống kê kịp thời điều tra, khảo sát về tình hình lao động mất việc, thiếu việc, bị giãn việc, làm việc không lương ngay sau khi Covid-19 bắt đầu tấn công vào Việt Nam. Số liệu về việc làm, về lao động của Tổng cục Thống kê sẽ cung cấp cho Chính phủ, các bộ ngành hữu quan bức tranh thổng thể, chi tiết, trung thực để đưa ra các chính sách thúc đẩy kinh tế, phục hồi, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động”, bà Valentina Barcucci bình luận.

Cũng theo đại diện ILO tại Việt Nam, ILO tiếp tục duy trì sự hợp tác, trao đổi, đối thoại với Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng các cơ quan hữu quan, hiệp hội doanh nghiệp tiến hành điều tra, khảo sát để cập nhật bức tranh sát thực nhất về lao động, việc làm của Việt Nam, từ đó giúp Chính phủ và các cơ quan hữu quan đưa ra các chính sách, giải pháp kịp thời hỗ trợ người lao động.

Ông Nguyễn Thế Hà, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia dịch vụ việc làm, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng thừa nhận, tỷ lệ thất nghiệp (2,73%) và thiếu việc làm (2,92%) vừa được Tổng cục Thống kê công bố là sát với tình hình thực tế.

“Thị trường lao động Việt Nam rất linh hoạt, người lao động bị mất việc, thiếu việc không ngồi chờ tiển trợ cấp thất nghiệp mà chỉ sau một thời gian ngắn mất việc, thiếu việc họ sẽ đi tìm việc làm mới. Vì vậy, ngay sau khi đại dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát trong khi có nhiều ngành nghề tiếp tục sa thải người lao động hoặc cho người lao động làm việc luân phiên thì cũng có nhiều ngành nghề khác thu hút lao động”, ông Hà minh chứng.

Cũng theo ông Hà, trong quý II/2020 số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019. “Điều này cho thấy dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực tới lao động, việc làm nhưng cũng cho thấy có sự dịch chuyển lao động từ những lĩnh vực gặp khó khăn sang lĩnh vực ít bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có những ngành nghề, lĩnh vực “sống khỏe” nhờ Covid-19. Vì vậy, trong thời gian  hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề nghiệp để tiếp tục tham gia vào thị trường lao động ở lĩnh vực khác”, ông Hà nói thêm.

Tin liên quan
Tin khác