Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau khi Chính phủ được kiện toàn vào tháng 4/2016, cuộc họp Chính phủ nào cũng góp thêm luồng sinh khí mới cho công cuộc cải cách. Có thể nói, người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ. Điều này cũng có nghĩa, thách thức lớn nhất đối với Chính phủ là không để phụ niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Lần này, mối quan tâm đang đổ dồn vào tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, bởi chỉ còn đúng 5 tháng nữa để Chính phủ thực hiện mục tiêu đến hết năm 2016, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình ASEAN 4.
Người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh |
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ về nội dung này vẫn đang phải kèm thêm nhiều ví dụ về những nỗi thống khổ doanh nghiệp nhưng chưa biết hỏi ai.
Đó là tại sao một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng gồm 8 tủ làm mát với trị giá khoảng 178 triệu đồng, nhưng phải trả chi phí thử nghiệm mẫu bằng hơn 75% giá trị lô hàng để được dán nhãn năng lượng (chưa kể chi phí mà doanh nghiệp ở các tỉnh xa phải vận chuyển sản phẩm tới cơ quan kiểm định)? Đó là vì sao, cơ quan nhà nước không cho phép doanh nghiệp phối hợp thử nghiệm 1 sản phẩm khi nhiều doanh nghiệp cùng lúc nhập khẩu một model sản phẩm từ cùng một nhà cung cấp? Đó là tại sao doanh nhiệp nhập khẩu các sản phẩm của các hãng nổi tiếng, hàng đầu thế giới về chất lượng, nhưng vẫn phải thực hiện thử nghiệm, thậm chí là kiểm tra phá huỷ?...
Đây chỉ là một số vấn đề của nội dung quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng lại là lực cản nỗ lực cải thiện Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính quá mức đối với doanh nghiệp.
Cũng phải nói thêm, Nghị quyết số 19 (năm 2015) và Nghị quyết số 19-2016 của Chính phủ đã yêu cầu và đặt trọng tâm cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu. Thế nhưng, trong báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ, mới có một số bộ như Tài chính, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... chủ động triển khai thực hiện theo định hướng và yêu cầu nói trên của Nghị quyết. Hầu hết các bộ, ngành còn lại, về cơ bản, chưa quan tâm tới các tiêu chí cải cách quản lý chuyên ngành, chưa triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan như yêu cầu của Nghị quyết.
Gần 5 tháng qua, Chính phủ đã liên tục đưa ra thông điệp, chương trình hành động rất rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao trong xây dựng. Nếu Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ không quyết tâm cao trong việc kiên quyết thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, thì có lẽ sẽ còn nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.
Sự thiếu nghiêm túc của các bộ, ngành, trên thực tế đã hạn chế, thậm chí vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ. Do nhiều giải pháp đúng, song triển khai chậm, không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa cải thiện như kỳ vọng.
Cuối tuần qua, khi phát biểu trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, phải tập trung hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện pháp luật về đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; kiên quyết xóa bỏ các giấy phép con không còn phù hợp, bảo đảm các điều kiện kinh doanh phải lượng hóa được và công khai, minh bạch, khả thi. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm tới thông điệp trên và tin rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thêm những giải pháp cụ thể để thực hiện những kế hoạch này.