Ông Vũ Tiến Lộc, Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại VBF 2018 |
Có chứng cứ cụ thể
Phát biểu trước sự lắng nghe của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đại diện các bộ, ngành, địa phương tại VBF 2018, ông Lộc đã dẫn một số chứng cứ để lý giải cho nhận định về sự không đồng đều trong cải thiện môi trường kinh doanh.
“Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, đa số các bộ ngành hoàn thành vượt yêu cầu cắt giảm và đơn giản hoá tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh tính đến 31/10 vừa rồi. Tuy nhiên kết quả khảo sát vẫn cho thấy, vẫn có 58% doanh nghiệp đang phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin phép”, ông Lộc liệt kê.
Trong cải cách kiểm tra chuyên ngành, dù điểm sáng nhất là Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm được nhắc đến, nhưng ông Lộc không thể không nhấn mạnh tới con số chỉ có 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và cũng mới có một thủ tục (khai báo hoá chất) là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác vẫn nộp thêm bản giấy.
Ngay cả thủ tục đăng ký kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, được xem là lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin nhưng theo kết quả khảo sát, bình quân cả nước mới có 13% được thực hiện trực tuyến. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã bước đầu liên thông với thủ tục phòng cháy chữa cháy, nhưng mức độ liên thông vẫn còn thấp.
Đặc biệt, việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn rất nhiều, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng, tình trạng quy định pháp luật thuế thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế vẫn còn nhiều;
“Như vậy, chúng ta đã thấy có rất nhiều sự cải thiện, tuy vậy không gian cải cách vẫn còn rất lớn”, ông Lộc phát biểu tại VBF 2018.
Đề xuất cơ quan độc lập giám sát việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Một trong những lý do của khoảng cách trên, theo ông Lộc, là do chưa thống nhất về tiêu chí xác định quy định nào cắt bỏ hay giữ lại.
Ví dụ, có Nghị định bỏ các điều kiện kinh doanh yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp của nhân lực, nhưng lại có Nghị định khác vẫn duy trì. Một ví dụ khác là có lĩnh vực đã sử dụng tiêu chí về lịch sử tuân thủ của một loại hàng hoá để giữ lại/loại bỏ trong danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành, trong khi ở lĩnh vực khác lại không sử dụng biện pháp này.
“Do đó, cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu quả và nhất quán”, ông Lộc kiến nghị.
Về cải cách thủ tục hành chính, ông Lộc đã nhắc tới trung tâm 1 cửa của Bộ Xây dựng là bộ đầu tiên thành lập trung tâm một cửa cấp bộ và cho rằng, đây là mô hình cần được nhân rộng.
“Đây là mô hình cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục đồng thời, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được làm thủ tục khác. Nhưng để làm được, cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính”, ông Lộc đề xuất.
Đặc biệt, vị đồng chủ tịch VBF cho rằng, cần nghiên cứu để có cơ chế giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Cụ thể là cần có một cơ quan, tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết, đồng thời cần có đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp.
"Thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội. Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và Cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh của sự phát triển ở Việt Nam", ông Lộc phát biểu.