Phép thử hội nhập
Trong ngày cuối cùng của năm 2015, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cuộc họp giữa các chủ tịch hiệp hội trong Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra căng thẳng. Nội dung xoay quanh câu hỏi vai trò của hiệp hội doanh nghiệp ở đâu trong năm hội nhập tới – theo cách đặt vấn đề của Hội đồng này.
Không phải ngẫu nhiên vấn đề này được đặt ra. Hàng loạt nghiên cứu, khảo sát về sự sẵn sàng với hội nhập sâu hơn của doanh nghiệp Việt Nam được công bố ngay trước thềm năm mới 2016 cho thấy một bức tranh kém vui.
Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ dành lại vị thế nhờ uy tín với thị trường và sự hài lòng của người tiêu dùng |
Ở góc độ nhận biết, theo khảo sát của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong số 700 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở 5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, có tới 60% doanh nghiệp không biết gì về những nội dung cơ bản của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Thậm chí, có tới hơn 87% doanh nghiệp không biết Việt Nam đang là điều phối viên trong lĩnh vực logistics trong AEC…
Trong khi đó, ở góc độ năng lực cạnh tranh, chưa bao giờ niềm tin của thị trường với sản phẩm Việt Nam lại ở thế bấp bênh đến vậy. Chỉ tỉnh riêng mặt hàng thủy sản, trong năm 2015, cả ba thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Mỹ, Nhật và EU đều lên tiếng cảnh báo và trả hàng về do vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và kháng sinh hạn chế sử dụng. Thậm chí, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không được cải thiện.
Mặc dù có lý giải rằng, việc áp đặt các biện pháp cảnh báo tăng lên còn có nguyên nhân do giá thị trường giảm, khiến đối tác muốn thoái thác nghĩa vụ nhận hàng, song uy tín của hàng thủy sản Việt Nam rõ ràng đang giảm sút ở các thị trường uy tín. Thậm chí, đang có lo ngại về thụt lùi của những sản phẩm từng là đại diện tiêu biểu của năng lực cạnh tranh Việt Nam, từ các thị trường khó tính hàng đầu thế giới về các thị trường dễ tính hơn ở châu Á, châu Phi…
“Không chỉ ở thị trường xuất khẩu, người dân đang không tin chất lượng hàng nông sản ở ngoài chợ, không chọn hàng tiêu dùng Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất cả thị trường trong nước với hơn 93 triệu dân, chứ không chỉ là không bước chân được ra ngoài đường biên giới. Ở đây, có trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu có những bước đi chủ động và cần thiết theo chuẩn mực của hội nhập. Nhưng DNNVV thì cần sự hỗ trợ để thay đổi cả tư duy và chuẩn mực kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng là Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ thái độ sốt ruột.
Thực sự đây đang là vấn đề rất lớn. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết sẽ gỡ bỏ hầu hết các rào cản về thuế, nhưng thế chân vào đó là hệ thống các hàng rào kỹ thuật không những còn nguyên, mà sẽ được các đối tác quan tâm hơn rất nhiều.
“Doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua hàng rào thuế quan để có được giá trị xuất khẩu rất lớn những năm qua, nhưng nếu không nâng hạng mình lên, để trở thành các đối tác tin cậy trên thế giới, không có được sự hài lòng của người tiêu dùng, của thị trường thì khi không còn hàng rào thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị mất chỗ đứng tại các thị trường lớn”, ông Lộc lo ngại.
Đây không phải lần đầu vấn đề này được đặt ra. Khi bàn về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, ông Florian Beranek, Chuyên gia cao cấp về Trách nhiệm xã hội của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), cũng đã cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tham gia vào chuỗi toàn cầu nếu đẩy mạnh yếu tố liêm chính trong hoạt động, tạo được sự tin tưởng với các đối tác. “Khi tham gia vào chuỗi giá trị, đòi hỏi từng bộ phận phải đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị cao hơn. Chỉ có liêm chính, uy tín mới có thể tạo ra không gian mở đấy”, ông Florian Beranek khuyến nghị.
Hiện tại, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đang đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực chuyên sâu thông qua đào tạo, phát hành các cuốn sách hướng dẫn thông tin chi tiết về hội nhập... Tuy nhiên, ông Lộc thừa nhận, lời giải cho bài toán năng lực cạnh tranh của DNNVV lại là năng lực của chính các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề.
“Đã đến lúc các hiệp hội doanh nghiệp phải vào cuộc, cùng với Chính phủ, cùng với doanh nghiệp tạo áp lực, điều kiện để doanh nghiệp thay đổi cách thức làm ăn. Môi trường kinh doanh Việt Nam không thể hấp dẫn nếu vẫn còn có những luống rau cho nhà ăn và luống rau để bán”, ông Lộc thẳng thắn.
Và áp lực từ niềm tin trong kinh doanh
Con số 95.000 doanh nghiệp đăng ký mới năm 2015 chắc chắn sẽ được ghi trong lịch sử của Luật Doanh nghiệp 2014. Những đột phá trong điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường của Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp về con dấu và không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gần như mở toang cánh cửa với mọi ý tưởng kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cách thức lấy chuẩn mực khu vực và thế giới làm thước đo cải cách của Chính phủ thông qua hai Nghị quyết 19 về cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015 cũng khiến môi trường kinh doanh Việt Nam thăng hạng khá đều trên các bảng xếp hạng về thuận lợi trong kinh doanh quốc tế cũng tạo nên sự phấn khích đáng kể trong môi trường kinh doanh năm 2015. Chưa bao giờ, sự hài lòng của doanh nghiệp lại được nhắc đến nhiều như vậy trong các cuộc làm việc của cơ quan nhà nước, ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, đúng như ông Florian Beranek phân tích, vấn đề các doanh nghiệp này cần có môi trường kinh doanh thuận cho sáng tạo, cho đổi mới nhưng phải theo đúng chuẩn mực và yêu cầu của thị trường thế giới.
“Con người có xu hướng vị kỷ, nên sẽ tìm cách để làm những gì có lợi cho mình. Vấn đề là khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với các quyết định của mình theo nguyên tắc là tuân thủ và liêm chính. Ngoài những điều khoản ban hành, chúng ta có những giá trị để họ tự nguyện thực hành. Giá trị lúc này là uy tín gia nhập được vào chuỗi giá trị, bắt tay được với các đối tác lớn”, ông Florian Beranek phân tích.
Trong yêu cầu này, sự thuận lợi của môi trường kinh doanh mới chỉ là một vế. Vế còn lại, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đó là sự an toàn.
“Nghề kinh doanh ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn là một nghề rất rủi ro. Nếu phá bỏ được rủi ro này, từ cả khía cạnh pháp lý đến thực tiễn, để người kinh doanh yên tâm kinh doanh dài hạn, lâu dài, kinh doanh lớn, thì doanh nghiệp Việt Nam mới sẵn sàng đầu tư cho quản trị hiện đại, lo chuẩn mực thay vì lách luật. Đây là phần việc của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Cung khuyến nghị và nhắc lại nguyên tắc công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định trong yêu cầu mới, đó là đòi hỏi của không gian hội nhập rộng lớn, chấp nhận những sáng tạo vượt qua các quy định hiện tại.
Ngay trong quý đầu của năm 2016 tới, VCCI sẽ công bố 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất đối với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả cuộc bình chọn này sẽ là sự ghi nhận của doanh nghiệp với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc làm cho môi trường kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt; đồng thời cảnh báo những quy định đang cản trở một cách bất hợp lý đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Đây sẽ là gợi ý tốt cho các cơ quan Nhà nước nhìn nhận lại quy định và tiến hành rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời xác định lại các tiêu chí để xây dựng lại các quy định một cách hiệu quả”, ông Lộc nói.
Một lần nữa, những bước cải cách sẽ tiếp tục được đẩy theo sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp cũng buộc phải nâng mình để thuận theo đòi hỏi về uy tín, chất lượng của thị trường, của người tiêu dùng.
Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2016 chắc chắn sẽ thay đổi tích cực chính từ sự hài lòng của từng chủ thể.