Thích ứng với môi trường thay đổi
30 năm trước, 85% giá trị doanh nghiệp trên thế giới là tài sản hữu hình, 15% còn lại là những yếu tố vô hình. Còn hiện nay, tỷ lệ này đảo ngược hoàn toàn, với yếu tố quyết định là giá trị vô hình đến từ uy tín, trách nhiệm, thương hiệu... của doanh nghiệp. Đó là thông tin được đưa ra trong Hội thảo Chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp do Chương trình CEO - Chìa khoá thành công phối hợp với Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC) và PwC tổ chức chiều 6/0/2017 tại TP.HCM.
Dragon Capital là nhà đầu tư tài chính, quản lý hơn 2 tỷ USD từ 200 nhà đầu tư trên thế giới. Dragon Capital đầu tư vào khoảng 70 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam. “Các nhà đầu tư gây sức ép vì họ đưa tiền cho chúng tôi và yêu cầu phải đầu tư có chất lượng, nguồn tiền thu về phải sạch”, ông Phạm Nguyên Vinh, Giám đốc phát triển kinh doanh của Dragon Capital nói.
Việc biến đổi khí hậu, xói mòn lòng tin, khủng hoảng tài chính buộc các doanh nghiệp phải nhìn lại vấn đề phát triển doanh nghiệp làm sao cho bền vững.
Hiểu thế nào về phát triển bền vững?
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho rằng, chiến lược phát triển bền vững phải bao hàm các yếu tố: tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận; đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường; hệ thống quản trị công ty vững chắc. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp là lợi nhuận.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD. Các công ty niêm yết trên sàn được xem như một lớp doanh nghiệp tiên tiến nhất trên thị trường. Họ chịu sự giám sát từ các cơ quan quản lý nhà nước và từ cộng đồng các nhà đầu tư, cổ đông của công ty.
Trong khi đó, những thay đổi về mặt xã hội (khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, bất bình đẳng giới tính), môi trường suy thoái... tạo ra mức độ ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong một doanh nghiệp, địa phương, mà còn vượt biên giới quốc gia. Việc này tạo cơ hội để các doanh nghiệp, thể chế của các quốc gia có động lực phát triển, song cũng là rủi ro nếu không tiến xa được.
Theo nghiên cứu của PwC, 76% CEO được khảo sát cho rằng, trong kinh doanh, thành công không chỉ lợi nhuận; 84% các CEO khẳng định sẽ đáp ứng kỳ vọng các bên có lợi ích liên quan; 82% coi trọng lợi nhuận dài hạn hơn lợi nhuận ngắn hạn.
Một báo cáo khác vừa được Talentnet công bố cho thấy, hình ảnh thương hiệu có thể thu hút ứng viên dự tuyển vào một công ty bao gồm: định hướng và chiến lược phát triển của công ty; triển vọng của ngành nghề; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng và uy tín và danh tiếng thương hiệu công ty tại Việt Nam.
Theo các diễn giả tham gia Hội thảo, chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp phải đến từ các yếu tố nội bộ doanh nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Trước tiên, doanh nghiệp phải có sự ổn định để phát triển dài hạn. Trong quá trình đó, doanh nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, tuân thủ luật pháp cũng như có những đóng góp cho cộng đồng.
Về nội bộ, doanh nghiệp phải có doanh thu, lợi nhuận ổn định dài hạn để đầu tư hệ thống, phát triển con người, phát triển kinh doanh... Quá trình đầu tư này cũng cần chú ý đến các hoạt động cộng đồng. Chiến lược này phải được hoạch định, đưa vào mục tiêu hàng năm để đáp ứng yêu cầu của môi trường kinh doanh.
Trong khi đó, bảo vệ môi trường và giảm tiêu thụ tài nguyên là 2 vấn đề quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, các nước phát triển thắt chặt quy định về môi trường và sức khỏe, bởi môi trường là vấn đề nhạy cảm sống còn với mọi quốc gia, trong mọi thời đại.