Vào ngày 12/6/2019, Bộ Công thương có văn bản số 4148/BCT-ĐL chấp thuận việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà.
Đây được giới chuyên môn xem như là đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi (the offshore wind) tại Việt Nam.
Lễ công bố Giấy phép khảo sát dự án ThangLong Wind - dự án điện gió khu vực ngoài khơi Mũi Kê Gà tháng 6/2019. |
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, tới tháng 7/2024, Bộ Công thương mới đưa ra được Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước với điệp trùng các vấn đề cần phải xin ý kiến cũng như xây dựng chính sách để phát triển nguồn điện này.
Cần Quốc hội ban hành Nghị quyết
Theo Báo cáo số 181/BCT-BC ngày 15/7/2024, trong quá trình tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công thương nhận thấy Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 55-NQ/TW không nêu rõ phải thực hiện thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Nghiên cứu quy định của Luật Điện lực, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Bộ Công thương cũng không phát hiện thấy luật có quy định thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Và thực tế đến nay, Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được đầu tư hoặc thí điểm đầu tư.
Bởi vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng, nếu trong năm 2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, thì đến năm 2030, dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện theo cơ chế thí điểm cũng rất khó khả thi để đi vào vận hành.
Nguyên do, theo các chuyên gia, thời gian thực hiện dự án điện gió ngoài khơi cần từ 6-8 năm kể từ khi bắt đầu khảo sát. Do vậy, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội có thể không đạt được mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII.
Dẫu vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng, còn có nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết, cơ sở pháp lý ban hành nghị quyết của Quốc hội, về quy mô công suất thực hiện theo cơ chế thí điểm, do vậy, Bộ này thấy cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn cả về cơ sở chính trị và pháp lý, sự đồng thuận của các cấp cấp trước khi quyết định việc thực hiện thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Chưa biết bao giờ Việt Nam có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên đi vào vận hành. |
Không lập Tổ công tác liên ngành về điện gió ngoài khơi
Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thành lập Tổ công tác liên ngành về điện gió ngoài khơi, mà giao nội dung này cho Ban Chỉ đạo về năng lượng thực hiện với tinh thần giảm các tổ chức phối hợp liên ngành theo các chỉ đạo của cấp trên.
Giải pháp được đưa ra là bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ, thành phần thì xem xét sửa đổi Quyết định số 1447/QĐ-TTg để Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy nhân lực của mình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến điện gió ngoài khơi của tổ chức phối hợp liên ngành.
Về vấn đề này, Bộ Công an lại có quan điểm không giống với đề xuất của Bộ Công thương, nên Bộ Công thương đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
Khó chọn nhà đầu tư
Trong Đề án Bộ Công thương cũng cho hay, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII đạt 6.000 MW vào năm 2030 là khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi lớn, khoảng 2,5 - 3 tỷ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.
Hiện Việt Nam cũng chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư thực hiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, từng địa phương cũng như tổng thể toàn quốc và hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển.
Trong góp ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho xây dựng Đề án cũng nhắc tới việc giá bán điện của các nhà máy điện gió ngoài khơi là khá cao, từ 11-13 UScent/kWh so với chi phí biên dài hạn của hệ thống.
Ngoài ra, hiện chưa có nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nào làm điện gió ngoài khơi nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng, hợp đồng mua bán điện, chuyển đổi ngoại tệ và các vấn đề tài chính liên quan đến điện gió ngoài khơi.
Cũng do chưa có dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nên chưa thể đánh giá được đầy đủ hệ thống định mức, đơn giá xây dựng, khảo sát, thiết kế liên quan đến công trình này. Vì vậy, cần phải rà soát để xây dựng và ban hành theo quy định.
Cũng bởi có quá nhiều vấn đề nhằm triển khai dự án điện gió ngoài khơi cụ thể vẫn chưa được cụ thể hoá trong các chính sách, cơ chế, nên Bộ Công thương cũng cho rằng, việc lựa chọn các nhà đầu tư quốc tế để thực hiện dự án thí điểm có thể có nhiều khó khăn, phức tạp chưa lường hết được.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, theo đánh giá của Bộ Công thương, cũng chưa nên giao thí điểm vì chưa đánh giá được hết các vấn đề về an ninh quốc phòng, vướng mắc về luật pháp.
Vì vậy, Bộ này có đưa ra phương án giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư. Cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), EVN và các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng cũng đã kiến nghị không giao thí điểm cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, vì điều kiện về năng lực và kinh nghiệm. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng chỉ tham gia một số khâu phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với các phương án Petrovietnam hay EVN triển khai dự án thí điểm thì cũng có những vướng mắc cần xử lý.
Đơn cử, hiện Nghị quyết của Đảng chưa cho phép Petrovietnam được đầu tư ngoài ngành và đầu tư điện gió ngoài khơi. Vì vậy, cần phải làm rõ nội dung này với sự góp ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Petrovietnam.
Đối với phương án EVN làm dự án thí điểm, Bộ Công thương cũng đánh giá đây là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải, nên có lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm năng lực đã có trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời không phải đàm phán giá điện do EVN đồng thời là đơn vị mua và bán điện.
Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực mới, nên các yêu cầu sẽ có khác so với các dự án điện truyền thống. Vì vậy, Bộ Công thương cũng cho biết sẽ tiếp tục làm rõ khi nhận được ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chính EVN.