Moody's tiếp tục cảnh báo tình trạng thiếu vốn của ngân hàng Việt Nam |
Dịch vụ Nhà Đầu tư của Moody’s (Moody’s Investors Service) vừa đưa ra báo cáo về tình trạng thâm hụt vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chuyên gia phân tích Daphne Cheng của Moody cho rằng, các ngân hàng tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12-18 tháng tới. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng sẽ khiến sự thiếu vốn này ngày càng mạnh.
Theo định nghĩa của Moody’s, khoản hụt vốn này là lượng vốn bên ngoài ngân hàng cần để đưa các tỷ lệ vốn cấp 1 về mức 8% sau khi các ngân hàng sử dụng nguồn dự phòng cho lỗ và nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng cho tất cả lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Ước tính của Moody’s đưa ra dựa trên dự báo của tổ chức này về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như dựa trên kết quả phân tích các ngân hàng được cơ quan này xếp hạng tín nhiệm, chiếm 53% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2016.
Moody’s nhận định, tăng trưởng GDP thực ở Việt Nam sẽ đạt mức trung bình là 6,4% vào năm 2017 và 2018, tăng từ mức 6,2% vào năm 2016. Tăng trưởng tín dụng của hai năm: 2017 và 2018 sẽ là 26%, tương ứng với tăng trưởng năm 2016.
Moody's cũng ước tính vào cuối năm 2016, hệ thống ngân hàng Việt Nam bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.
Còn tính tới cuối năm 2017, toàn hệ thống sẽ thiếu hụt vốn từ 5,1 đến 6,1 tỷ USD, chiếm 2,5% -3,0% GDP.
Kịch bản của Moody's dựa trên 4 giả định. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ vẫn ổn định. Thứ hai, sẽ không có sự gia tăng trong giao dịch mua bán nợ của VAMC. Thứ ba, thu nhập chính của các ngân hàng sẽ vẫn ổn định. Thứ tư, ngân hàng sẽ trích lập dự phòng trái phiếu VAMC theo kế hoạch.
Moody's cảnh báo, các hồ sơ vốn của các ngân hàng đã tiếp tục xấu đi.
Đồng thời, chuyên gia Cheng cũng nhận định khả năng tạo vốn của ngân hàng Việt vẫn yếu, do tỷ suất NIM thấp, thu nhập từ phí thấp, và gánh nặng trích lập lớn.
“Trong bối cảnh này, phải mất nhiều năm thì hệ thống ngân hàng mới có thể lấp khoảng thiếu hụt vốn thông qua việc tự tạo vốn”, ông Cheng nói.