Thời sự
Một bộ phận người tham gia giao thông ý thức rất kém, sẵn sàng đối phó khi vi phạm
Nguyễn Lê - 23/04/2024 12:13
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận.

“Lâu nay, người dân vẫn phàn nàn về tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và đăng kiểm. Đề nghị trong lần giám sát này, cần đánh giá liệu hiện nay còn tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông nữa không, làm rõ để có giải pháp khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, sáng 23/4.

Đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga với đoàn giám sát là cần đánh giá lại tiêu cực trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay như thế nào.

Theo báo cáo giám sát, từ năm 2009 đến năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 406.688 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 138.784 người, bị thương 386.002 người.

“Trung bình mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội”, đoàn giám sát nhận định.

Qua hoạt động giám sát của các đoàn công tác cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông đường bộ hầu hết do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện của người lái xe, báo cáo nêu.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhìn nhận “ý thức của người tham gia giao thông cơ bản tốt, nhưng vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức rất kém, bất chấp vượt đèn đỏ, sẵn sàng đối phó khi vi phạm. Không có gì ngạc nhiên khi vẫn là con người đó, nếu ra nước ngoài thì chấp hành tốt quy định trật tự an toàn giao thông, còn trong nước thì cứ vi phạm. Điều đó chứng tỏ hệ thống xử lý của chúng ta chưa nghiêm”.

Bà Nga đề nghị đưa giảng dạy về trật tự an toàn giao thông vào trường học từ sớm, để rèn luyện ý thức của người tham gia giao thông cho các em học sinh ngay từ nhỏ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, liên quan an toàn giao thông đường bộ có các yếu tố: đường, phương tiện, người tham gia giao thông, các tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kinh doanh.

Hệ thống đường bộ từ năm 2009 tới nay rất phát triển, nhà nước quan tâm đầu tư, xã hội hóa nhiều, Nhân dân đóng góp, thu phí cũng rất là nhiều, chủng loại phương tiện cũng tăng, ông Định nhìn nhận.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề, đường tốt, xe tốt lên thì tai nạn tăng hay giảm, so với số km đường, phương tiện tăng hay giảm.

Trước đây mỗi năm trung binh 30.000 - 40.000 người chết, nay trung bình khoảng 10.000 người, đó là thành quả của quản lý, ông Định đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, dù đây là báo cáo bước đầu, nhưng chất lượng báo cáo giám sát tốt. Nếu hoàn thiện thêm một bước kết hợp việc trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ là rất ý nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Theo ông Huệ, việc chuyên biệt hóa, tách hai dự án luật trên là một chủ trương hoàn toàn đúng, phạm vi và nội dung điều chỉnh 2 dự án luật này cơ bản phù hợp.

Về trọng điểm giao thông đường bộ, ông Huệ đề nghị làm rõ thêm vấn đề sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng ký lưu hành đăng kiểm các phương tiện giao thông. Vấn đề về đăng kiểm cần gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải, ông Huệ lưu ý. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu sử dụng phương tiện quá cũ sẽ tác động đến vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ rất lớn, những phương tiện không đủ điều kiện vừa không an toàn, vừa gây phát thải nhà kính.

“Nếu không có tiêu chuẩn tiêu chí về khí phát thải, sẽ khó có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần những phương tiện đã quá cũ và lạc hậu, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa gây nguy cơ cao về an toàn giao thông, tác động đến kết cấu hạ tầng nói chung và đường bộ nói riêng”, ông Huệ nêu.

Liên quan tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông và phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn đang trong tình trạng “lấy ngắn nuôi dài”, vì nguồn lực không đủ nên phải phân kỳ đầu tư. Song ông lưu ý, phân kỳ phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về vận hành, khai thác và tính an toàn.

Dẫn chứng cao tốc La Sơn - Túy Loan 2 làn xe, nhưng không có làn dừng khẩn cấp, ông Huệ cho biết vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời, Quốc hội cũng dành quan tâm cho những dự án này.

Nhấn mạnh tính đồng bộ trong đầu tư, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc đầu tư hạ tầng, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc. “Lái xe chạy đường dài mà chạy miết cũng dễ căng thẳng và gây tai nạn, có trạm dừng nghỉ hợp lý vừa hồi phục về thể chất, vừa hồi phục về tinh thần”, ông Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm hệ thống hành lang giao thông và trạm dừng nghỉ.

Đề cập phân bổ nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng khu vực ĐBSCL đường bộ yếu, songđường thủy nội địa cũng chưa được quan tâm.

“Hồi tôi làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, 1 km2 diện tích đồng bằng có 0,76 km chiều dài kênh rạch, nhưng tỷ trọng đầu tư vào giao thông thủy ở ĐBSCL chỉ có mười mấy phần trăm thôi”, ông Huệ nêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu đường thủy làm tốt sẽ giảm tải cho đường bộ và giảm rủi ro, hiệu quả logicstics cũng tốt hơn nữa.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát có kiến nghị cụ thể về việc đào tạo, quản lý, cấp phép cho lái xe và quản lý sau cấp phép, hay vấn đề về uống rượu bia và sử dụng chất kích thích khi lái xe.

Tin liên quan
Tin khác