MSB vừa quyết định thoái toàn bộ vốn tại MSB AMC |
HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa họp và công bố về việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB AMC). Theo Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn, quyết định trên nhằm thoái vốn và tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Cùng với Công ty tài chính TNHH MTC Cộng đồng (FCCOM), MSB AMC là một trong hai công ty con do ngân hàng sở hữu 100% vốn. Công ty được thành lập từ năm 2008 với mức vốn điều lệ hiện tại là 100 tỷ đồng. Giữa tháng 9/2020, công ty vừa có sự thay đổi về nhân sự. Ví trí chủ tịch công ty được giao cho bà Lại Thị Hoài (sinh năm 1993), thay cho ông Bùi Đức Quang.
Khá nhiều các ngân hàng Việt Nam hiện nay đều thành lập một công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC). Nhiệm vụ chính của các AMC thường là xử lý nợ, quản lý khai thác tài sản, kinh doanh tài sản từ xử lý nợ hay tư vấn thẩm định tài sản. Một số AMC được thành lập do hoàn cảnh đặc thù như công ty AMC của BIDV (BAMC) thành lập năm 2001 để tập trung vào việc nhận và xử lý các khoản nợ của BIDV phát sinh trước thời điểm 31 tháng 12 năm 2000.
So với các AMC của các nhà băng khác, MSB AMC có mức vốn điều lệ khá khiêm tốn nhưng kinh doanh hiệu quả trong năm 2019 với mức doanh thu đạt được lên tới 150,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 15,62 tỷ đồng và 12,48 tỷ đồng.
BAMC cũng có quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tổng tài sản BAMC tại thời điểm 31/12/2019 đạt 111,3 tỷ đồng. Theo báo cáo của BIDV, doanh thu từ hoạt động ủy thác thu hồi nợ trong năm trước của AMC này đạt 9,9 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 2,2 tỷ đồng. Techcombank AMC được ngân hàng mẹ Techcombank góp vào 410 tỷ đồng vốn điều lệ. Dù không công bố kết quả kinh doanh năm 2019, AMC này đã góp một phần không nhỏ vào kết quả hoạt động của Techcombank, thể hiện qua số thu nợ đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là 1.080 tỷ đồng.
Hoạt động xử lý tài sản thường không mang về nguồn thu đều đặ, nhất là ở các AMC đang quản lý lượng ít tài sản và thường là các món nợ "khó đòi". Như trường hợp của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ACB (ACBA), tính đến cuối năm 2019, đơn vị này quản lý 5 tài sản xử lý nợ với tổng giá trị là 388 tỷ đồng. Trong đó, một tài sản để xử lý nợ được mua năm 2019 với giá phí là 139 tỷ đồng. Năm 2019, đơn vị này thu về 8,8 tỷ đồng doanh thu và 6,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Quy mô vốn điều lệ của ACBA là 340 tỷ đồng. Tại MB AMC, một trong các tài sản đơn vị này từng xử lý là phần vốn góp tại MBLand. Trong cả năm 2018, đây cũng là thương vụ quan trọng nhất của MB AMC giúp lợi nhuận đạt được trong năm nay cao gấp 2,4 lần năm 2017.
Còn tại VietinBank, công ty AMC lại là đơn vị độc lập trực thuộc VietinBank với nhiệm vụ chính là hỗ trợ cho các chi nhánh VietinBank trong công tác thẩm định giá trị tài sản với nguồn thu chính đến từ nghiệp vụ định giá tài sản. VietinBank AMC ghi nhận mức tổng thu nhập năm 2019 là 49,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 7,55 tỷ đồng. Trong khi đó, một số ngân hàng lại không tách riêng công ty con trong mảng hoạt động này, như Vietcombank.
Với quyết định thoái vốn tại MSB AMC, các tài sản hay khoản nợ xấu mà đơn vị này nắm giữ cũng sẽ ra khỏi bảng cân đối kế toán của MSB. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quy mô các khoản cho vay khách hàng đến cuối quý III đạt xấp xỉ 73.430 tỷ đồng, tăng 15,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ ở mức 2,32%.
Ngoài MSB AMC, cách đây một năm, phía Hyundai Card đã đánh tiếng mua lại 50% vốn FCCOM từ MSB với giá trị khoảng 42 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay, thương vụ này vẫn chưa được thực hiện. Theo chia sẻ mới đây của Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, MSB hướng đến cả 2 khả năng, hoặc sẽ bán toàn bộ vốn FCCOM nếu đối tác muốn sở hữu toàn bộ, và phương án hai là chia sẻ 50- 50 với nhà đầu tư để triển khai tài chính tiêu dùng.