BIDV đang trong giai đoạn đàm phán bán vốn cho đối tác ngoại. Ảnh: Đức Thanh |
Khối ngoại tấp nập “nhắm” cổ phần ông lớn
Sau khi bán thành công 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng cuối năm ngoái, Vietcombank đang tiếp tục xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020. Ông Võ Việt Hùng, Trưởng ban Tăng vốn của Vietcombank cho hay, lộ trình bán 6,5% cổ phần đã được Ngân hàng thông qua và đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư ngoại đang nhăm nhe tìm cơ hội đổ vốn vào ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam này. Đặc biệt, GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore - sau khi rót vốn mua 2,55% vốn Vietcombank cuối năm ngoái, vẫn tiếp tục mong muốn được tham gia đợt chào bán tới đây. “Việc chào bán hiện nay tương đối thuận lợi vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm”, ông Hùng phấn khởi cho biết.
Một ngân hàng lớn khác là BIDV cũng đang trong giai đoạn đàm phán bán vốn cho đối tác ngoại, cụ thể là Keb Hana của Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc chào bán chưa thật suôn sẻ, nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục và giá bán. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, các khâu thủ tục tuy đã được tháo gỡ cơ bản, song hai bên vẫn chưa nhất trí được với nhau về giá. Nhiều khả năng, thương vụ này chưa thể “chốt hạ” trong năm 2019. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ có giá trị khủng nhất trên thị trường.
Ngân hàng yếu kém “đắt hàng”
Tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Hội nghị G20 mới đây, ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết, Ngân hàng đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng, trong thời gian ngắn, sẽ cải tổ được CBBank, đưa ngân hàng này lấy lại vị thế trước đây”, ông Nobiru Adachi khẳng định.
Nhiều yếu tố tích cực
Việc Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng sẽ tạo ra nhiều room cho các nhà đầu tư ngoại. Thị trường chứng khoán phát triển khả quan. Thủ tục hành chính trong khâu phê duyệt cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp cũng ngày càng cải thiện… Tất cả các yếu tố này sẽ khiến hoạt động M&A sôi động hơn thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế
Không chỉ J. Trust, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, gần đây, nhiều nhà đầu tư ngoại như Công ty Srisawad Corporation (Thái Lan), Tập đoàn Clermont (Singapore)… bày tỏ mong muốn được mua lại, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng, cơ cấu lại OceanBank sau bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Tên tuổi của nhà đầu tư này không được Ngân hàng Nhà nước tiết lộ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, có rất nhiều yếu tố khiến ngân hàng yếu kém có thể “đắt hàng” thời gian tới. Đó là kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng tốt, chỉ số tài chính của các ngân hàng này đang tốt lên. Ngoài ra, Chính phủ đã tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020 nhằm tập trung xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém trong nước và tích cực kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài.
M&A sẽ “nở rộ” từ năm 2020
Sau giai đoạn bùng nổ, M&A ngân hàng vài ba năm gần đây rất trầm lắng. Thương vụ thành công gần đây nhất là Vietcombank bán 3% vốn cho đối tác nước ngoài. Trong khi đó, thương vụ được kỳ vọng nhiều là PGBank - HDBank lại chưa trở thành hiện thực.
Lý giải nguyên nhân khiến M&A ngân hàng trầm lắng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, một phần do thị trường chứng khoán chưa phát triên bền vững, còn nhiều rủi ro, một phần do quy trình chấp thuận cổ đông chiến lược nước ngoài còn phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian.
Tuy nhiên, đáng mừng là, có nhiều tín hiệu cho thấy, thị trường đang ấm trở lại. Ngoài các ngân hàng yếu kém hay các ông lớn kể trên, rất nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đang trong lộ trình tìm đối tác ngoại, như SHB,NCB, OCB…
TS-LS. Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight cho rằng, áp lực tuân thủ chuẩn mực vốn của Basel II từ nay đến năm 2020 sẽ đặt nhiều ngân hàng trước bài toán M&A. Chưa kể, theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh. Điều này khiến M&A ngân hàng tiếp tục sôi động.
Theo các chuyên gia tài chính, bức tranh M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới sẽ rất đa dạng, không chỉ mua bán, sáp nhập mà còn “xuất ngoại” bán vốn, như hình thức phát hành trái phiếu quốc tế mà TPBank và VPBank đang lên kế hoạch. Tất nhiên, để gọi được vốn thành công trên sàn quốc tế, trước hết, nhà băng phải được các tổ chức uy tín xếp hạng cao.
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
Diễn đàn có các hoạt động chính: hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.