Ngày nào cũng vậy, trên vườn cam rộng hơn 1 ha, chị Đàm Thu Hiền, xã viên Hợp tác xã Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên) có mặt từ sáng sớm đến chiều muộn để vun tưới, chăm sóc cho cây.
Vườn cam ở Phù Yên đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. |
Chị Hiền chia sẻ, trước đây, vạt nương này gia đình chị trồng ngô, sắn. Dù bỏ rất nhiều công sức mà cây ngô vẫn không thể giúp gia đình chị thoát nghèo, bởi giá bán rẻ, nhiều khi không đủ chi phí cây giống, phân bón. 5 năm trước, qua tham đợt quan, học hỏi từ các mô hình trồng cây ăn quả ở một số địa phương, do UBND huyện Phù Yên tổ chức, chị Hiền mạnh dạn trồng 300 cây cam đường và 200 gốc quýt ngọt. Đến nay, những gốc cam đã cho trái sai lúc lỉu, vàng rực, sẵn sàng cho mùa thu hoạch cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tới.
Tham gia Liên hoan văn hóa, thể thao và Lễ hội cam Phù Yên, ông Hoàng Văn Tếu, xã viên Hợp tác xã Văn Yên (xã Mường Thải) cho biết, những năm trước, các hộ dân ở Phù Yên trồng cây ăn quả có múi mới chỉ quan tâm đến năng suất và sản lượng, còn chất lượng quả và nhu cầu thị trường thì chưa được chú trọng. Nhưng nay, các hợp tác xã và hộ gia đình đã thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường.
Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hệ thống tưới tự động, bón phân, phun thuốc và thu hoạch đều tuân thủ theo hướng dẫn quy trình VietGap, khiến giá trị quả cam được nâng lên nhiều lần. Nhiều gia đình đã trở nên khá giả nhờ cây cam.
Là một trong những người trồng cam có nhiều kinh nghiệm, bà Lê Thị Nga, thôn Văn Yên (xã Mường Thải) có hơn 600 gốc cam trồng trên 1 ha đất dốc. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm cam bán rất đắt hàng. Hiện tại, cam chủ yếu bán cho các thương lái đến tận vườn thu mua hay xuất đi các siêu thị dưới Hà Nội. Mỗi năm gia đình bà thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng cam
“Chúng tôi trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP thu được nhiều lợi ích. Thứ nhất là để đảm bảo sức khỏe của bản thân và sức khỏe của người tiêu dùng, vì trồng theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ theo quy trình, loại thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép. Thứ hai, thu nhập tăng lên, vì sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP có giá bán cao và ổn định”, bà Nga cho biết.
Theo ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, năm 2018, trên địa bàn huyện có trên 400 ha trồng cam, trong đó khoảng 170 ha cho thu hoạch, sản lượng cam, quýt khoảng gần 3.000 tấn. Việc chuyển sang trồng cây ăn quả có múi, nhất là cây cam ở Phù Yên, cùng diện tích 1ha, người dân có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, so với cây ngô, sắn thì gấp rất nhiều lần.
“Cây ăn quả có múi đang giúp bà con nông dân nơi đây thoát nghèo. Đến nay, toàn huyện đã có 32 hợp tác xã, trong đó có 19 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Những mùa quả ngọt nơi đây đã mang thương hiệu cam - bưởi Phù Yên vươn xa, đó chính là nhờ việc đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người nông dân Phù Yên, cùng sự đồng hành sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương”, ông Dương nói.