Huyện Cẩm Giàng có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi (Quốc lộ 5A và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua).
Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây giáp huyện Bình Giang, phía Nam giáp huyện Bình Giang và huyện Gia Lộc, phía Đông giáp huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương cùng tỉnh. Huyện có nhiều danh làm thắng cảnh nổi tiếng như Văn miếu Mao Điền, chùa Giám, đền Bia... Đây đều là những danh thắng và tâm linh hấp dẫn, nhiều tiềm năng cần khai thác để thu hút khách du lịch thập phương.
Văn Miếu Mao Điền - điểm đến của du khách trong, ngoài nước khi đến với Hải Dương. |
Huyện Cẩm Giàng có diện tích 110,11 km2, dân số trên 137.000 người.
Huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 6.400 ha; trong đó diện tích sản xuất chuyên canh cây cà rốt là trên 700 ha/năm (lớn nhất miền Bắc).
Tính đến thời điểm này, Cẩm Giàng đã có 17/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Cẩm Giàng đã có nhiều thay đổi vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, sản xuất nông nghiệp, đời sống và thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt. Qua 8 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt trên 1.976 tỷ đồng. Tất cả các đường trục xã, liên xã, ngõ xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa.
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 42 triệu đồng, tăng 2,15 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%. Huyện đã hình thành được một số vùng nông sản có hiệu quả kinh tế cao như cà rốt, dưa hấu, rau củ, quả... Các vùng sản xuất tập trung cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. 100% các xã, thị trấn của huyện có bãi chôn lấp rác thải tập trung; thành lập các tổ, đội thu gom rác thải thường xuyên hoạt động, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các thôn, khu dân cư đều xây dựng hương ước, quy ước; trong đó có nội dung bảo vệ môi trường.
“Để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí về nông thôn mới, trong thời gian tới, huyện Cẩm Giàng tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới và xây dựng mô hình xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020”, ông Hảo cho biết thêm.
Với nhiều nỗ lực phấn đấu, huyện Cẩm Giàng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 19/11/2018. Đây là huyện thứ 3 của Hải Dương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sau thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Đồng thời, huyện Cẩm Giàng sẽ được Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương lao động hạng nhất theo Quyết định số 879/QĐ-CTN ngày 31/5/2018 vào dịp này.
Việc tổ chức Lễ đón nhận các danh hiệu trên là dịp để huyện quảng bá những giá trị của hai khu di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, cụm di tích đền Xưa - Chùa Giám - đền Bia; là bước khởi đầu cho chiến lược quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được xếp hạng Quốc gia và Quốc gia đặc biệt ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Lễ đón nhận danh hiệu là tiền đề quan trọng cho việc thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch và dịch vụ huyện Cẩm Giàng nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.