Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý 2007 và mới đây đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các yêu cầu cho xuất khẩu.
Năm 2018, tổng diện tích trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt khoảng 10.500 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiều khoảng 40.000 tấn). Đặc biệt,, sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU... đạt khoảng 1.000 tấn.
Lễ ký kết giao thương giữa UBND huyện Thanh Hà và các doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều. |
Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã triển khai tốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản của tỉnh, nhất là trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, thu hút các doanh nghiệp đến khải sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Thông qua hoạt động, việc tiêu thụ các sản phẩm vải thiều nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hợp đồng đã được ký kết, sản phẩm vải thiều và nông sản của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những cố gắng của Hải Dương trong phát huy thế mạnh của cây đặc sản như vải thiều, đặc biệt là việc tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2018. Đây là cơ hội tốt để Hải Dương tiếp thị sản phẩm nông nghiệp quan trọng của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần tôn vinh quê hương của cây vải tổ.
Đây là kinh nghiệm quý cần phát huy, đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác của tỉnh. Tỉnh cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao khả năng cạnh tranh của quả vải trên thị trường trong nước và quốc tế; tiếp tục mở rộng thị trường. Đặc biệt, cần có giải pháp tránh tình trạng tư thương trà trộn sản phẩm vải từ nơi khác, vùng khác vào, lấy mác vải Thanh Hà - Hải Dương, làm giảm uy tín của sản phẩm.
. |
Lễ hội lần này có khoảng 50 gian hàng trưng bày các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh. Gian hàng của các xã ở huyện Thanh Hà với các sản phẩm thế mạnh như vải thiều, ổi, chanh, cây giống...
Tất cả các loại quả đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, được dán tem truy xuất hàng hóa.
Phát biểu tại lễ hội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn cho rằng, cùng với phát triển sản xuất vải an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tỉnh Hải Dương cần quan tâm phát triển du lịch vùng vải, tiếp tục quảng bá hình ảnh của vải thiều đến bạn bè trong nước và quốc tế. Tổ chức tốt lễ hội vải thiều và các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải và các nông sản khác cho nông dân. Hải Dương cần phát huy lợi thế của các đặc sản để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, văn minh.
Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra các hoạt động ký kết giao thương kết nối thu mua giữa UBND huyện Thanh Hà và các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và các mặt hàng nông sản. Công bố quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sông Hương.
Năm 2016, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương – Thanh Hà. Theo đó, Khu du lịch này có phạm vi quy hoạch trên 863 ha, nằm dọc 2 bên bờ sông Hương. Dự kiến đến năm 2020, Khu du lịch này sẽ phục vụ 500 nghìn du khách/năm; đến năm 2030, phục vụ 1 triệu du khách/năm. Đây sẽ là Khu du lịch sinh thái, loại hình chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn, trải nghiệm và tham quan du sông nước kết hợp du lịch văn hóa tâm linh.
“Đến với Lễ hội Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương lần thứ nhất năm 2018, tỉnh Hải Dương kêu gọi và chào đón các doanh nghiệp, các siêu thị, hợ đầu mối, các thương nhân trong nước và quốc tế với Hải Dương để tìm hiểu thị trường, tiêu thụ nông sản tỉnh, đặc biệt là vải thiều Thanh Hà. Tỉnh Hải Dương sẽ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa với các doanh nghiệp, siêu thị, thương nhân trong nước và quốc tế đến với Hải Dương”, ông Thái khẳng định.
Một số ý kiến của doanh nghiệp, người dân khi đến với Lễ hội Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương lần thứ nhất:
Ông Đào Mạnh Kiên, Trưởng ban dịch vụ khách hàng của Hãng hàng không Vietnam Airline:
Tôi đi cùng đoàn của công ty đến Lễ hội này để tham quan và khảo sát chất lượng quả vải thiều của Thanh Hà. Mục đích để kiểm tra xem vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm có đáp đứng được yêu cầu của chúng tôi để đưa vào phục vụ trong bữa ăn trên các chuyến bay của Vietnam Airline hay không. Và hiện tại thì tôi thấy những vùng sản xuất vải tham gia lễ hội này đều đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau khi chúng tôi xác định được quy trình kiểm soát thu hoạch và bảo quản quả vải Thanh Hà cũng đảm bảo theo yêu cầu của chúng tôi thì năm sau chắc chắn quả vải Thanh Hà sẽ xuất hiện trong thực đơn trên các chuyến bay của chúng tôi. Nếu việc này được thực hiện thành công thì cũng góp phần quảng bá cho hình ảnh và thương hiệu quả của vải thiều Thanh Hà, Hải Dương.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, đến từ Công ty CP thực phẩm an toàn Tâm Thành (Hà Nội):
Tôi đến lễ hội này vì muốn tìm kiếm nguồn hàng để cũng ứng cho thị trường Hà Nội. Mặt hàng tôi muốn tìm kiếm là hành, tỏi vì Hải Dương cũng là một trong những vùng trồng lớn của nước ta. Hơn nữa, theo thông tin tôi được ban tổ chức cung cấp thì tại lễ hội này, ngoài quả vải thiều thì còn có nhiều mặt hàng nông sản khác.
Tuy nhiên, khi làm việc với các đối tác tại lễ hội thì tôi quan tam đến khâu bảo quản sau thu hoạch là khâu sấy khô. Nhưng khi trao đổi thì thông tin của đơn vị sản xuất vẫn chưa đầy đủ thông tin, vẫn chưa cho tôi có đầy đủ những điều tôi cần. Ví dụ như công nghệ sấy khô là công nghệ nào, theo tiêu chuẩn gì thì lại không có. Vậy nên, tôi cũng chỉ có 1 ý kiến nhỏ là các đơn vị sản xuất nông sản nên chuẩn bị kỹ càng hơn để đáp ứng được những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, về công nghệ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Đồng Giao, huyện Kim Thành, Hải Dương
Tôi với vài người bạn đến lễ hội từ sớm vì rất háo hức khi đây là lễ hội vải thiều đầu tiên được tổ chức. Các bạn tôi đều không phải người Hải Dương nên khi đến lễ hội này tôi khá là tự hào khi sản vật của địa phương minh được quảng bá mạnh mẽ và đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn, Nhật,… Chiều nay, tôi cũng sẽ dẫn các bạn tôi đi thăm cây vải tổ.