Tài chính - Chứng khoán
Mưa cổ tức nghìn tỷ đồng sắp về tài khoản cổ đông dịp cuối năm
Thanh Thủy - 08/11/2024 08:29
Các doanh nghiệp lớn như Hóa chất Đức Giang, VEAM, Sabeco, Tổng công ty Sông Đà... sẽ tiến hành trả cổ tức bằng tiền đến cổ đông trong thời gian tới.

Rốt ráo trả nốt cổ tức của năm 2023, Nhơn Trạch 2 xin lùi sang quý I/2025

Trong quý cuối cùng của năm 2024, hàng loạt doanh nghiệp quyết định chia cổ tức của năm liền trước. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 (hiệu lực 01/01/2021) quy định về việc chi trả cổ tức, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Do đó, đây cũng là dịp nhiều doanh nghiệp hoàn thành nốt phương án phân phối lợi nhuận được cổ đông thông qua.

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (VEAM - mã VEA) sẽ chốt quyền chi trả cổ tức năm 2023. Theo đó, 20/11/2024 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng. Tỷ lệ cổ tức được đưa ra lần này là 50,3518% (1 cổ phiếu nhận được 5.035,18 đồng). Với 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM dự kiến sẽ chi đến 6.691 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này. Tuy nhiên, với phần lớn cổ phần đang nằm trong tay cổ đông Nhà nước,  dự kiến 6.000 tỷ đồng sẽ chi trả về Bộ Công thương

Cổ đông Tổng Công ty Sông Đà – Công ty cổ phần (mã SJG – sàn UPCoM) cũng sẽ chốt danh sách chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền vào ngày 25/11/2024 tới đây. Tỷ lệ cổ tức 10%. Tuy nhiên, với gần 450 triệu cổ phiếu lưu hành, dự kiến đơn vị này sẽ chi ra khoảng 450 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Ngày thanh toán 16/12/2024.

Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán NTC) thông báo ngày cuối cùng để cổ đông đăng ký nhận cổ tức năm 2023 tỷ lệ 60% (mỗi cổ phiếu nhận 6.000 đồng) là 25/11, còn ngày thực hiện chi trả vào 18/12. Số tiền chi trả cổ tức là 144 tỷ đồng. Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa là cổ đông lớn nhất của Nam Tân Uyên khi nắm giữ 32,85% vốn (tương ứng 7,9 triệu cổ phiếu) sẽ nhận hơn 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn GVR lần lượt nhận 29,4 tỷ đồng và 28,7 tỷ đồng.

Không lâu trước thông báo chi trả cổ tức, Nam Tân Uyên vừa qua đã ký hợp đồng vay 2.618 tỷ đồng tại Vietcombank vào ngày 25/10. Phía công ty cho biết mục đích vay để thanh toán một lần tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê từ nhà nước, phục vụ dự án mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên - giai đoạn II. Nhờ đó, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này dồi dào phục vụ cho các kế hoạch đầu tư.

Trong khi đó, hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) vừa thông qua việc điều chỉnh thời gian chi trả cổ tức còn lại năm 2023 từ quý IV/2024 sang quý I/2025. Nguyên nhân bởi công ty phải rà soát lại tình hình hoạt động của Nhơn Trạch 2 phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đảm bảo tối ưu hoá nguồn tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo phương án được cổ đông thông qua, Nhơn Trạch 2 sẽ chi tổng cộng 432 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ cổ tức 15%, bao gồm 7% cổ tức đợt 1 đã tạm ứng. Phần cổ tức còn lại có tỷ lệ 8%.

Loạt “ông lớn” tạm ứng cổ tức nghìn tỷ

Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều doanh nghiệp dựa trên kết quả kinh doanh tốt sau 9 tháng đầu năm cũng quyết định tạm ứng ngay cổ tức năm 2024 tới cổ đông. Đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC, sàn HoSE) cùng công ty thành viên là Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam (mã PAT, sàn UPCoM) tạm ứng cổ tức cho năm 2024 với tỷ lệ lần lượt 30% và 70%, đều bằng tiền. Cụ thể 20/11/2024 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để Hóa chất Đức Giang và Phốt pho Apatit Việt Nam thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2024. Cổ tức sẽ được thanh toán tới cổ đông hôm 20/12/2024.

Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang - Lào Cai, cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ hơn 12,75 triệu cổ phiếu PAT, tương ứng tỷ lệ 51% vốn điều lệ của Phốt pho Apatit Việt Nam. Đây cũng là công ty con do Hóa chất Đức Giang nắm giữ 100% vốn. Do đó, Hóa chất Đức Giang sẽ nhận thêm hơn 89 tỷ đồng cổ tức.

Trong khi đó, với gần 380 triệu cổ phiếu lưu hành, dự kiến Hóa chất Đức Giang sẽ chi ra khoảng gần 1.140 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Còn đối với Phốt pho Apatit Việt Nam, với 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty chi 175 tỷ đồng trong lần tạm ứng này.

Việc tạm ứng cổ tức (ứng cổ tức trước khi đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận) vốn là thông lệ của Hóa chất Đức Giang, thường được thực hiện vào cuối năm. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, công ty đều lên danh sách cổ đông nhận tạm ứng vào khoảng tháng 12 và thực trả vào đầu năm. Năm nay, lịch trả cổ tức được đẩy lên sớm hơn dù kết quả kinh doanh đi lùi. Trong 9 tháng đầu năm, Hóa chất Đức Giang báo lãi ròng 2.322 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 74% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Phốt pho Apatit Việt Nam đạt 184 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024.

Tương tự, “ông lớn” trong ngành đồ uống – thực phẩm (F&B) là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB, sàn HoSE) cũng sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng vào 27/12/2024 và cổ tức sẽ được thanh toán tới cổ đông vào 23/1/2025. Với gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Sabeco dự kiến sẽ chi gần 2.600 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP – sàn HoSE) sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 57,4%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 5.740 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng vào 14/11/2024.

Tin liên quan
Tin khác