Ngập sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Duy Trần |
Trước tình trạng mưa lớn có thể gây ngập đường băng, ảnh hưởng việc khai thác, an toàn bay, UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp tìm giải pháp chống ngập cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Công ty sửa chữa máy bay A41 (Bộ Quốc phòng) và Cảng vụ hàng không miền Nam được yêu cầu tự tổ chức nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước trong khu vực quản lý. Xây dựng quy chế phối hợp ứng cứu khi xảy ra ngập nước.
Nhà máy A41 thực hiện ngay việc cải tạo với 2 đoạn cống bị sụp băng ngang đường Phan Thúc Duyện, do đơn vị này quản lý, để đảm bảo tiêu thoát nước. Việc sửa chữa phải hoàn thành trước 15/6.
Tại 6 vị trí có đoạn cống băng ngang đường trên rạch A41 và phương án thoát nước tạm, thành phố giao Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước cùng Công ty Thoát nước đô thị tiến hành cải tạo, thay thế các đoạn cống ngay trong tuần này.
Trung tâm chống ngập cũng phải có kế hoạch, nạo vét, duy tu thường xuyên để đảm bảo thoát nước trong mùa mưa. Các hành vi lấn chiếm, xâm hại trái phép hệ thống thoát nước phải có biện pháp xử lý, tránh ảnh hưởng đến dòng chảy của rạch A41.
Quận Tân Bình được yêu cầu giải tỏa các hộ dân lấn chiếm hai bên bờ rạch. Vận động người dân không xả rác gây tắc nghẽn và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Về giải pháp lâu dài, TP HCM muốn cân đối vốn để triển khai, lập dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo kênh A41 (từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Cộng Hòa) và dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, giúp sân bay thoát nỗi lo ngập.
Trước đó, nhiều nơi tại Tân Sơn Nhất liên tục bị ngập khi mưa lớn. Đặc biệt, hôm 9/10/2015, sân bay ngập 20 cm uy hiếp trạm điện, có khả năng dẫn đến nổ, phải đóng cửa sân bay. Các bên liên quan sau đó đã thực hiện nhiều đợt nạo vét, làm sạch kênh A41. Tại trạm điện sân bay, nhiều bao cát, ván được chuẩn bị sẵn để ngăn nước ngập tấn công.
Nguyên nhân gây ngập được kết luận do con kênh dài 2 km giúp thoát nước từ Tân Sơn Nhất ra ngoài khi qua khu dân cư đã bị lấn chiếm, vứt rác khiến làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi mưa lớn nước không kịp thoát, trào ngược vào sân bay gây ngập úng.