Dưới đây là chia sẻ của anh Đỗ Văn Tuyên, 33 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội về quyết định sai lầm khi cố mua nhà lớn lúc chưa vững về tài chính:
Từ lúc mới lấy vợ tôi đã ấp ủ ý định phải mua được căn nhà. Tuy nhiên, do hai vợ chồng đều con nhà nghèo, từ quê lên thành phố lập nghiệp nên trong tay chưa có đồng vốn nào. Vợ tôi làm trong ngành xuất bản, lương gần chục triệu mỗi tháng. Tôi có nghề chụp ảnh, làm chính ở một nơi và cộng tác vài chỗ, thu nhập không cố định, trung bình khoảng 15-25 triệu/tháng.
Năm 2016, sau 6 năm kết hôn và vừa có bé thứ hai, tôi quyết định phải có nơi ở tử tế cho vợ con, dù trong tay mới có tầm 600 triệu. Bạn bè, đồng nghiệp của vợ chồng tôi hầu như ai cũng đã có nhà. Căn tập thể gần 40m2 chúng tôi ở quận Đống Đa trở nên quá chật chội và bí bách cho gia đình 4 người cộng thêm bà nội, ngoại thỉnh thoảng lên giúp chăm cháu.
Ít tiền nhưng cố mua nhà to có thể khiến cuộc sống gia đình bạn căng thẳng. Ảnh: Dissolve. |
Sau nhiều băn khoăn, vợ chồng tôi quyết định mua một căn hộ hơn 80m2 ở đường Lê Văn Lương kéo dài, giá 2,3 tỷ đồng. Số tiền vượt quá khả năng nhưng nếu diện tích nhỏ thì rất bất tiện khi thường xuyên có khách ở quê ra. Tôi tham khảo một số khu có giá rẻ hơn nhưng đều ở vùng ven, đi lại quá xa hoặc không có đầy đủ tiện ích.
Nhờ có chút quen biết, vợ chồng tôi nhanh chóng nhờ được người lo hồ sơ để vay ngân hàng được tối đa là 1,6 tỷ đồng trong 10 năm. Tôi cũng toát mồ hôi khi nghĩ tới con số mười mấy triệu trả mỗi tháng nhưng lại nghĩ "đi thuê cũng tốn 5-6 triệu rồi, vay nợ mua như vậy càng có động lực để cày cuốc, chứ đợi đến ngày nào cho đủ tiền".
Về ở nhà mới hồi đầu năm ngoái, cả gia đình tôi đều phấn khởi. Khu chung cư đầy đủ tiện ích, cảnh quan đẹp, nhà cửa rộng rãi, cao thoáng... khiến chúng tôi thấy cuộc đời mình như sang trang sau bao năm sống ở khu tập thể cũ nát. Nhìn vợ vui phơi phới, thấy con lớn ríu rít bắt quen với bạn cùng tầng, tôi thấy quyết định liều của mình cũng đáng.
Nhưng cảm giác lâng lâng có nhà mới chỉ kéo dài vài tháng khi gánh nặng trả nợ, lo cho cuộc sống đè nặng. Mỗi tháng, sau khi trả nợ, vợ chồng tôi phải co kéo số còn lại cho đủ các chi phí: Tiền điện nước, gửi xe, phí dịch vụ, thuê người giúp việc chăm con nhỏ, đóng học cho con lớn, ăn uống... Dư được đồng nào, chúng tôi lại phải dồn vào trả cho khoản vay gần trăm triệu sắm nội thất.
Tôi cuống lên lo nhận thêm việc để tăng thu nhập. Đầu lúc nào cũng căng lên chuyện kiếm tiền. Chi tiêu trong gia đình phải cắt giảm tối đa, con gái lớn ngừng các lớp học thêm đàn, vẽ. Vợ tôi cũng không dám sắm sửa thêm quần áo, váy vóc gì. Cuối tuần, vợ chồng con cái hoặc ở nhà hoặc về quê nhận viện trợ thực phẩm cho đỡ tốn kém. Chúng tôi từ chối hết những lời mời đi nghỉ cuối tuần của mấy cặp bạn thân. Du lịch trở thành thứ quá xa xỉ. Tôi tính cố thắt lưng buộc bụng vài năm, dồn trả bớt được một phần nợ thì đỡ lãi, cuộc sống sẽ dễ thở hơn.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Cuối năm ngoái, mẹ tôi bị ngã dập xương, phải lên Hà Nội điều trị. Cũng may tình trạng không quá nặng và chỉ sau 2 tuần chữa là ổn. Nhưng suốt thời gian đó, tôi căng như dây đàn vì phải đi vay mượn vừa góp viện phí cùng ông anh vừa lo "nuôi" người nhà lên tá túc khi thay nhau chăm mẹ tôi. Vợ chồng tôi không còn bất cứ khoản tích lũy, dự phòng nào.
Sau dịp ấy, tôi thấy mình thật sự đuối và kiệt sức. Tôi cũng nhận ra chất lượng công việc của mình đang đi xuống trầm trọng. Đối với một người làm về sáng tạo, đó là một cú tát. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống quay chong chóng, vắt kiệt mọi ý tưởng như thế này. Nghĩ thêm tới chuyện lỡ trong nhà lại có việc phát sinh, trong khi ngoài ngôi nhà gắn với đống nợ, mình chẳng có gì, tôi lại càng sợ.
Chia sẻ những suy nghĩ này với vợ, tôi nhận được sự đồng cảm. Chúng tôi quyết định bán nhà.
Việc bán nhà không dễ dàng, nhất là khi còn vướng khoản nợ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện xong, với khoản chênh được vài chục triệu. Nhưng cái khó vượt qua hơn lại là vấn đề tâm lý, khi tôi cảm thấy như mình thất bại vì không giữ được nhà cho vợ con, lại ngại với bố mẹ họ hàng hai bên khi phải giải thích lý do vừa mua nhà xong đã phải bán đi. Nhưng dần dần mọi việc cũng qua.
Bây giờ cuộc sống của tôi khá tốt. Hai vợ chồng tiếp tục cuộc sống ở thuê, chọn một căn hộ nhỏ hơn, ở gần cơ quan vợ, để người giúp việc nghỉ, cho con gái thứ hai đi lớp. Mỗi tháng, trừ khoản tiền thuê hơn 5 triệu, chúng tôi sống thoải mái, có khoản gửi tiết kiệm đều đặn. Hè này, tôi sẽ đưa các con và bố mẹ mình đi nghỉ mát.
Sau khi bán nhà, tôi cũng tạm thời nhận ít việc hơn để đầu tư chăm chút cho thật chất lượng. Cảm giác hài lòng với những gì mình làm ra mang lại cho tôi sự tự tin và yêu nghề trở lại.
Tôi vẫn không từ bỏ ý định sẽ mua căn nhà nhưng đó không phải là một áp lực nữa mà là mục tiêu dài hạn. Vợ chồng tôi cần sống cho hiện tại trước trong lúc chuẩn bị dần cho tương lai.
Theo chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (TP HCM), nhiều người Việt vẫn nặng tâm lý muốn sở hữu ít nhất một ngôi nhà. Không ít người dù tài chính eo hẹp vẫn cố mua và cho rằng mang nợ càng có động lực cố gắng làm việc để trả. Họ lập luận thêm rằng số tiền thuê nhà dùng trả nợ mua nhà sẽ có lợi hơn là nộp cho người khác (chủ nhà). Thực ra, họ tính như vậy vì không biết đến những cách đầu tư sinh lợi tốt hơn gửi ngân hàng và chưa có kế hoạch tích lũy cụ thể.
Ông Bội Lê cho rằng, vay nợ dài hạn để mua nhà thì phải tính phương án an toàn: giả sử có thể trả nợ trong 7 năm thì vẫn nên ký hợp đồng vay 10 năm để nếu mọi việc thuận tiện thì vừa trả vượt kế hoạch vay vừa giữ một khoản dự phòng để đắp vào lúc kẹt. Tính kế hoạch sát quá có thể gặp rủi ro khi lãi suất tăng hay khi thu nhập giảm hoặc gia đình có việc phát sinh.
Theo ông, khi áp lực trả góp mua nhà quá lớn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bán nhà và tiếp tục ở thuê hoặc mua căn nhỏ phù hợp năng lực tài chính cũng là giải pháp tốt. "Đừng nặng nề chuyện phải sở hữu được ngôi nhà hay tâm lý e ngại khi phải bán nhà, cuộc sống của bạn sẽ đỡ mệt mỏi và thoải mái hơn", ông nói.