Louis Capital định hướng phát triẻn thành một tập đoàn đa ngành, trong đó bất động sản là một trong 6 lĩnh vực cốt lõi. |
“Kền kền” săn mồi
Cuộc họp cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Louis Capital vào đầu tuần này đã đạt được tỷ lệ nhất trí cao với phương án tăng vốn nhắm đến góp vốn/ mua cổ phần Công ty cổ phần Chứng khoán APG và Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác tài sàn Louis AMC.
Tuần trước, Louis Capital vừa mua xong 22,84% vốn Công ty cổ phần Samatel và nhiều khả năng, tiếp tục nhận chuyển nhượng 25% vốn từ cổ đông lớn nhất để tiến gần tỷ lệ sở hữu chi phối. Ngay đầu năm 2021, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Louis Capital và công ty liên quan đã khuấy động thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) với thương vụ mua cổ phần Angimex và cổ phần Louis Land.
Louis Capital tham gia sân chơi M&A như một tân binh, dù cổ phiếu TGG niêm yết từ giữa năm 2018. Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021, Công ty đã đổi tên và bổ sung ngành nghề kinh doanh với chiến lược trở thành công ty đầu tư - dùng tài chính để đầu tư vào các công ty để sở hữu hoặc giữ quyền chi phối. Đồng thời, nhân sự HĐQT cũng có sự thay đổi từ 3 thành viên lên 5 thành viên, trong đó chỉ gồm một nhân sự từ nhiệm kỳ cũ.
Không riêng Louis Capital, Công ty cổ phần Spiral Galaxy (mã SPI - tiền thân là Công ty Đá Spilit) cũng đổi chủ, thay tên và chuyển hướng kinh doanh từ doanh nghiệp thương mại nông sản và khoáng sản sang bất động sản. Theo ông Phạm Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Spiral Galaxy, mục tiêu của Công ty là trở thành một tập đoàn kinh doanh bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh, thông qua M&A để có quỹ đất sạch hoặc dự án đã vận hành hay có tiềm năng…
Đặt cược vào tương lai
Điểm chung trong kế hoạch của Louis Capital và Spiral Galaxy thời gian tới là đẩy mạnh huy động vốn. Louis Capital dự kiến chào bán tối đa 30 triệu cổ phiếu với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên gấp hơn 2 lần hiện tại và vay vốn với hạn mức 300 tỷ đồng. Trong khi đó, Spiral Galaxy lên kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 168 tỷ đồng lên 368 tỷ đồng. Cả hai công ty chỉ có thể phát hành riêng lẻ bởi đều lỗ ròng năm trước, do đó không thỏa mãn điều kiện để phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Điểm chung khác của 2 công ty trên nằm ở diễn biến giá cổ phiếu. TGG và SPI đều là những cổ phiếu từng có mức giá không bằng cốc trà đá ở thời điểm cuối năm 2020. Đã có tới gần 28% lượng cổ phiếu lưu hành của SPI được “sang tay” quanh mức 1.700 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 12/2020. Với cổ phiếu TGG, khối lượng chuyển nhượng tăng cao bất thường ở tháng 1 và tháng 4/2021, khi giá quanh mức 1.700 đồng và 4.950 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu SPI giao dịch ở mức 12.600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu TGG vẫn tìm đỉnh mới và đang giao dịch trên 35.000 đồng/cổ phiếu.
Giải thích về lý do lựa chọn một công ty chuyên về cáp điện và viễn thông để đầu tư, ông Đỗ Thành Nhân cho biết, việc đầu tư vào Sametel hỗ trợ cung cấp về pin năng lượng mặt trời cho các công ty trong hệ sinh thái như Angimex và cấp cáp điện, viễn thông cho các dự án của Louis Land. Ngoài ra, điểm chung dễ thấy trong danh mục đầu tư của Louis Capital hay chính Louis Capital trước khi đổi chủ đều là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, lãi mỏng và đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động.
Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Louis Capital đã tăng mạnh nhờ thu hồi công nợ cũ, nhưng thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu 4 quý gần nhất vẫn rất mỏng. Mức tăng nóng tới 20 lần của giá cổ phiếu TGG 8 tháng qua cho thấy, giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào tương lai của Louis Capital.
Trong quá khứ, Công ty cổ phần GTNFoods (tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất Thống Nhất) cũng là một trong những công ty tương đối thành công khi đi theo chiến lược trở thành công ty đầu tư và liên tục thực hiện các thương vụ M&A để mở rộng quy mô. Đối tượng mục tiêu của GTNFoods là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa còn chưa mạnh về quản trị hay hoạt động bán hàng, nhưng được kỳ vọng tạo ra giá trị cộng hưởng khi “về chung một nhà”.