Sức khỏe doanh nghiệp
Trang mới của GTNFoods và Vilico
Thanh Thuỷ - 16/02/2020 13:11
GTNFoods và Vilico là hai doanh nghiệp đầu tiên khởi động cho mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi bản báo cáo tài chính kiểm toán của cả hai vừa hoàn tất, ký và đóng dấu hôm qua (14/2).

Nhiệm kỳ cũ rút ngắn và sự xuất hiện của bà Mai Kiều Liên

Ngày 15/2, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP GTN Foods (mã GTN) và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico (mã VLC - cũng là công ty con do GTNFoods sở hữu vốn với tỷ lệ chi phối) lần lượt diễn ra trong buổi sáng và chiều cùng ngày. Dù xuất hiện tại cuộc họp GTNFoods ban đầu  ở tư cách ứng cử viên HĐQT nhiệm kỳ mới, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam, đã nhận được khá nhiều câu hỏi của cổ đông. 

Vinamilk  đã chi 3.447 tỷ đồng, qua đó sở hữu 75% vốn và thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông của GTNFoods. Trong khi đó, GTNFoods lại là  doanh nghiệp sở hữu 74,49% vốn Vilico và sở hữu 37,98% vốn CTCP Giống bò sữa Mộc Châu - Mộc Châu Milk (tỷ lệ biểu quyết 51%).

Cơ cấu cổ đông tại GTNFoods và Vilico

Tại cả hai cuộc họp này, HĐQT đều trình cổ đông thông qua việc rút ngắn nhiệm kỳ HĐQT cũ. Ứng cử viên trong nhiệm kỳ mới ở cả hai doanh nghiệp này phần đông đều đến từ Vinamilk. Bà Mai Kiều Liên ứng cử vào HĐQT ở cả hai doanh nghiệp. Kết quả bầu nhiệm kỳ mới tại GTNFoods sáng nay đã quyết định vị CEO của doanh nghiệp sữa này đảm nhận vị trí Chủ tịch.

Danh sách bầu cử nhân sự HĐQT GTNFoods và Vilico

Trước đó, bà Liên cũng tham gia vào HĐQT/HĐTV của đa số các công ty con, giữ vị trí chủ tịch ở 3 công ty, dù vậy GTNFoods lại là công ty  đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoản.

Cuộc cải tổ trước khi "về một nhà"

Gần 4 năm trước, GTNFoods trở thành tên mới của CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất sau hơn hai năm cổ phiếu của doanh nghiệp này niêm yết trên sàn. Cùng với hai đợt tăng vốn khủng nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng, GTNFoods cũng xác định chiến lược mới, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thực phẩm thông qua M&A các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Tuy nhiên, hàng loạt động thái tái cấu trúc các khoản đầu tư đã được thực hiện trong năm 2019. “Quan điểm của chúng tôi và lĩnh vực nào hiệu quả thì làm, không hiệu quả giảm bớt”, ông Trịnh Quốc Dũng người vừa đảm nhận vị trí Tổng giám đốc GTNFoods từ đầu năm 2020 đồng thời cũng là Giám đốc Điều hành phát triển vùng nguyên liệu nhiều năm qua của Vinamilk trả lời các cổ đông tại buổi họp.

Tháng 12/2019, GTNFoods đã chuyển nhượng ba công ty gồm Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNFoods , CTCP Đầu tư và Khai thác tài sản GTNFoods và CTCP Nông nghiệp GTN. Các công ty này được chuyển nhượng  cho một đối tác doanh nghiệp, báo cáo tài chính kiểm toán của GTNFoods giải thích chi tiết. CTCP Đầu tư và Khai thác tài sản GTNFoods và CTCP Nông nghiệp GTN cũng chỉ vừa mới thành lập đầu năm 2019, chủ yếu để gom lại một số khoản đầu tư. Nông nghiệp GTN được góp với bằng khoản đầu tư vào CTCP Sản xuãt Tre Công nghiệp Mộc Châu và Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea).

Sau tái cơ cấu, GTNFoods chỉ giữ lại 20% vốn Vinatea. Còn lại, theo CEO của GTNFoods, việc tái cơ cấu, thoái vốn của GTNFoods đã hoàn thành từ cuối năm 2019. Cựu chủ tịch của của GTNFoods trước đây cũng khẳng định sau tái cấu trúc công ty đã có cấu trúc đơn giản, sẵn tiền mặt và sẽ tập trung vào hoạt động chuyên sâu vào ngành nghề có thế mạnh. Cụ thể là ngành sữa mà Mộc Châu Milk, công ty con của Vilico đang kinh doanh, đồng thời, tận dụng kinh nghiệm trong ngành của cổ đông lớn Vinamilk.

Bà Mai Kiều lIên trở thành Chủ tịch HĐQT GTNFoods nhiệm kỳ 2020-2024

Chia sẻ tại buổi họp cổ đông năm 2020, bà Mai Kiều Liên cho biết GTNFoods tới đây sẽ khảo sát lại quỹ đất và xây dựng trang trại sữa hữa cơ, sữa sạch…  với quy mô 4.000 con bò trên quỹ đất khoảng 200 ha của Mộc Châu Milk. Sở dĩ mật độ chỉ ở mức 20 con/ha là để bò hoạt động và nghỉ ngơi, đồng thời, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh. Ngoài trang trại bò, định hướng của công ty còn là nâng cấp máy móc, thiết bị đầu ra để các nhà máy đáp ứng đủ công suất. Với quỹ đất của Vinatea, công ty liên kết GTNFoods còn giữ 20% vốn, định hướng công ty là tập trung vào sản phẩm để xuất khẩu, còn trong ngắn hạn, mục tiêu hướng đến là hòa vốn và bắt đầu có lãi.

Trong khi đặt ra các phương án đầu tư khá tham vọng, kế hoạch kinh doanh năm tới của Vilico và GTN vẫn đều khá khiêm tốn, chưa quá áp lực trong năm đầu tiên về một nhà với Vinamilk. Vị CEO của Vinamilk của cho biết hiện vẫn chưa thể nói trước quá nhiều sau hai tháng tham gia vào hoạt động của GTNFoods. Một chiến lược 5 năm cụ thể cho toàn công ty sẽ được ban lãnh đạo xây dựng và trình cổ đông.

Theo kế hoạch đề ra, doanh thu hợp nhất của Vilico phấn đấu đạt 2.909 tỷ đồng, tăng 8,26% so với năm 2019. Trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ đạt 160 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ. GTNFoods đặt mục tiêu thu về 2.909 tỷ đồng doanh thu và 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất. So với khoản lãi ròng sụt giảm đáng kể trong năm trước do tái cấu trúc (6,7 tỷ đồng), mức lãi trên đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn mức lợi nhuận đạt được năm 2018.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, GTNFoods sẽ không chia cổ tức, tương tự như 4 năm trước. Đến cuối năm 2019,  doanh nghiệp này còn lỗ lũy kế 209 tỷ đồng. Trong khi đó, Vilico trình phương án trả cổ tức  bằng tiền mặt, tỷ lệ 6%. Khoản lãi 173 tỷ đồng của Vilico thực chất cũng chủ yếu đến từ con bò sữa. Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất mà doanh nghiệp này vừa công bố, mảng chế biến sữa giúp Vilico thu về 2.558 tỷ đồng doanh thu và 486 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Trong khi mảng chăn nuôi chỉ mang về 37 tỷ đồng doanh thu, giá bán ra thậm chí còn thấp hơn giá vốn sản xuất dẫn tới khoản lỗ gộp gần 6 tỷ đồng riêng mảng này.

Tin liên quan
Tin khác