Một sân chơi mới hơn 10 tỷ USD đang được mở ra
Được biết, BNPL là hình thức cung cấp tín dụng cho phép người mua hàng trước và trả tiền sau mà không bị tính lãi, phí hoặc chỉ chịu lãi suất ở mức thấp.
Trong những năm trở lại đây, trước sự tăng trưởng mạnh của mua sắm trực tuyến, BNPL nổi lên như một trong những hình thức thanh toán hiện đại được nhiều người lựa chọn. Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính của năm 2021.
Sau Covid-19, ngành thương mại điện tử Việt Nam có bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. |
Các hình thức thanh toán là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường trải nghiệm và kích cầu của người dùng trên các nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, tại Việt Nam, COD (cash on delivery) là hình thức thanh toán phổ biến nhất khi chiếm đến 78%. Trong khi đó, mức độ phổ biến của các hình thức thanh toán điện tử như Internet/Mobile banking, cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử… chưa đến 40% mặc dù người dùng đang dần làm quen và nhận được nhiều sự tiện ích từ các hình thức thanh toán này.
Điều này mở ra một sân chơi mới cho BNPL khi hình thức thanh toán này cho phép người dùng đại chúng tiếp cận dễ dàng hơn với hình thức tín dụng kỹ thuật số, từ đó tăng khả năng mua sắm trên thương mại điện tử, đồng thời tăng doanh số và giá trị giao dịch cho các nhà bán.
Trước những lợi ích đó, theo Research and Markets, BNPL tại Việt Nam sẽ tăng 126,4% hàng năm để đạt 1,12 tỷ USD vào năm 2022. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng hơn gấp 21 lần, từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên đến 10,5 tỷ USD vào năm 2028.
Thực tế, thị trường BNPL Việt Nam trở nên sôi động với sự hiện diện của loạt fintech BNPL nội địa như Fundiin, Flik và các fintech BNPL quốc tế như Kredivo, Reepay, Klay… Mặt khác, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đã đạt 78,7 tỷ USD, cao gấp 10 lần so với năm 2010. Điều này cho thấy nhu cầu tài chính cá nhân của người dân trong nước rất cao, mặc dù đang được phục vụ thấp.
Ở chiều ngược lại, BNPL cũng được xem là chất xúc tác thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Bởi, rất nhiều khách hàng không có thẻ tín dụng hiện gặp khó khăn trong việc mua hàng khi phải thanh toán trong 1 lần cũng như gặp khó khăn ở các bước thanh toán, nên tỷ lệ bỏ giỏ hàng cao đến gần 70%. BNPL hỗ trợ đối tượng này chia nhỏ giá trị đơn hàng, có thể mua sắm ngay lập tức những mặt hàng cần thiết nhưng không bị áp lực tài chính do không phải chi trả số tiền ngay tức thời và có được trải nghiệm liền mạch, dễ dàng. Kết quả, quy trình này giảm được tỷ lệ bỏ giỏ hàng của khách hàng, thúc đẩy doanh số bán hàng và giá trị giao dịch cho các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Sàn thương mại điện tử Sendo tích hợp nền tảng Kredivo để tăng trải nghiệm cho khách hàng và cải thiện doanh số cho các nhà bán |
“Với thị trường mới như Việt Nam, nơi phần lớn người dùng chưa có cơ hội tiếp cận tín dụng, sự xuất hiện của BNPL cũng như Kredivo sẽ mang đến giải pháp tài chính nhanh gọn, dễ tiếp cận, vừa túi tiền và thúc đẩy ngành thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển. Bằng việc sử dụng công nghệ để đơn giản hoá các bước thanh toán và tăng trải nghiệm cho người dùng, BNPL được dự đoán sẽ là một sân chơi đầy tiềm năng”, bà Indina Andamari, Giám đốc Quốc gia của Kredivo Việt Nam chia sẻ.
Chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm, Kredivo mục tiêu chiếm 50% thị phần
Kredivo gia nhập vào Việt Nam từ tháng 8/2021 thông qua hợp tác cùng VietCredit. Đến nay, số lượng người dùng, theo đại diện Kredivo cho biết, đang tăng trưởng hằng tháng trung bình 40% trong những tháng trở lại đây. Các nhà cung cấp đối tác của Kredivo bao gồm các sàn thương mại điện tử như Sendo, hay các nhà bán hàng trực tuyến như CellphoneS, FPT Shop, Baokim, Di Động Việt, Mytour, FoodMap…
“Tại Indonesia, Kredivo đã có hơn 6 triệu người dùng và chiếm đến hơn 50% thị phần BNPL trên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi kỳ vọng sẽ làm được điều tương tự tại thị trường Việt Nam”, bà Indina Andamari cho biết.
Theo đó, Kredivo tập trung tiếp cận các khách hàng sử dụng smartphone có hiểu biết về công nghệ và thương mại điện tử, có tài khoản ngân hàng nhưng còn hạn chế về khoản tín dụng.
Trên thế giới, theo Worldwide Research ước tính, các công ty fintech BNPL đã lấy mất 8 - 10 tỷ USD doanh thu của các ngân hàng mỗi năm. Tuy nhiên, Kredivo nhấn mạnh không coi các ngân hàng là đối thủ cạnh tranh, mà nhìn nhận họ như những thành viên trên thị trường để cùng thúc đẩy sự phát triển lành mạnh. Bởi, phân khúc thị trường mà Kredivo hướng tới là những khách hàng hiện chưa tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, những người chưa được cấp thẻ tín dụng do hồ sơ tín dụng mỏng, không có lịch sử tín dụng…
“Nhờ tham gia sử dụng BNPL trên nền tảng của Kredivo, các khách hàng này cũng sẽ làm quen với các dịch vụ tài chính hiện đại và dần chuyển sang sử dụng các giao dịch số, thay vì giao dịch tiền mặt truyền thống. Như vậy, nhìn ở một phương diện nhất định, Kredivo và các nhà cung cấp BNPL cũng đang góp phần thay đổi nhận thức của thị trường và mở ra nhiều tiềm năng cho ngành tài chính, ngân hàng”, bà Indina chốt lời.