Thời sự
Mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới chắc chắn về đích trước hạn
Kỳ Thành - 26/10/2018 20:08
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 chắc chắn sẽ hoàn thành vào năm 2019, sớm 1 năm so với kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Đề cập đến tình hình xây dựng nông thôn mới trong phần trình bày trước Quốc hội chiều nay (26/10), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị quyết 32 của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2016 đã xác định nhiều nội dung lớn.

Thứ nhất là khi đó, chúng ta toàn bộ chương trình này mới hoàn thành 17,5% số xã, so với mục tiêu đến 2020 là 50% số xã thì còn rất lớn. Thứ hai là có hiện tượng nếu không kìm hãm thì chạy đua theo phong trào với nợ đọng 16 nghìn tỷ đồng, đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Thứ ba là 19 nhóm tiêu chí không phù hợp với 7 vùng miền mà rất bất cập trong tổ chức thực hiện. Thứ tư là huy động nguồn lực không phù hợp với tất cả các vùng miền.

"Ở những vùng miền có điều kiện kinh tế thì rất dễ huy động nguồn lực xã hội hóa , ngược lại phân bổ nguồn lực thì bình quân như nhau cho nên các nơi vùng sâu vùng xa càng khó khăn hơn. Khi thực hiện nông thôn mới thì khoảng cách giàu nghèo càng xa", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cường, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Quốc hội, xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả khả quan.

"Về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đạt được 40,3% số xã, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tình hình này, sang năm 2019 chắc chắn sẽ hoàn thành được mục tiêu 50% số xã, như vậy là đi trước 1 năm", người đứng đầu Bộ Nông nghiệp cho hay.

Thứ hai là về nợ đọng cơ bản, đến nay chỉ còn 1.200 tỷ đồng, giảm được 92%. 8% này cơ bản là các chương trình đang triển khai dở dang, khi công nhận là xã nông thôn mới thì những nội dung này sẽ được quyết toán. "Như vậy là đạt được mục tiêu không chạy theo thành tích", Bộ trưởng nói.

Thứ ba là bộ tiêu chí đã được Chính phủ ban hành bằng cơ chế, chính sách, chỉ tiêu phù hợp với các vùng miền. Theo Bộ trưởng, qua quá trình vận dụng gần 3 năm thì không có địa phương nào phản ánh không phù hợp nữa.

Thứ tư là về nguồn lực, theo kế hoạch đầu tư trung hạn là 163 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng ngân sách 63 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2010-2015 và phân loại các xã miền núi, vùng bãi ngang được hệ số bằng 4-5 lần xã ở vùng thuận lợi. "Các cơ chế này đã thực sự đi vào cuộc sống và phân cấp giao cho đơn vị cấp tỉnh chủ động bố trí cái này trong nguồn trung hạn", ông Cường nhận xét.

Theo Bộ trưởng Cường, những nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các ngành vận dụng và triệt để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 32. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tập trung thúc đẩy sản xuất, môi trường, văn hóa xã hội.

Ngay đầu năm nay, Thủ tướng đã phát động phong trào toàn quốc học tập theo Hải Hậu, đó là huyện có 35 xã thì tất cả 35 xã đều xử lý môi trường, mỗi xã có 1 hợp tác xã hoặc 1 công ty chủ động xã hội hóa môi trường. Tại Hà Tĩnh phát động phong trào làm mô hình nông thôn mới gắn với khu nông thôn kiểu mới, hay toàn quốc phát động phong trào sản xuất hàng hóa OCOP mỗi làng một sản phẩm theo mô hình Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng triển khai chương trình mỗi làng gắn với du lịch dịch vụ gắn với nông thôn mới để thúc đẩy sản xuất.

"Từng bước một, các địa phương đang thúc đẩy các nội dung về sản xuất, đời sống, văn hóa xã hội, môi trường để coi nông thôn mới  là chương trình đích thực, nâng cao đời sống, văn hóa chứ không chỉ còn hình thức", Bộ trưởng nói.

Tin liên quan
Tin khác