Điểm nóng
Muôn cách làm hàng giả, gian lận thương mại
Thu Lê - 14/03/2019 06:26
Ngay tại hội thảo mới đây về nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, ông vừa nhận được thông tin bao bì, nhãn mác của công ty mình đang bị ít nhất 2 doanh nghiệp khác làm gần giống, dễ gây nhầm lẫn.
Rất nhiều mặt hàng bị làm giả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Đức Thanh

Nhái nhãn mác, thiết kế

Nạn nhân là Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (Phân lân Văn Điển). Các đơn vị vi phạm đã thiết kế bao bì sản phẩm với những nhận diện như chữ viết, hình ảnh, màu sắc gần giống như của Phân lân Văn Điển. Thậm chí, họ còn thêm ký hiệu hợp quy thay vào vị trí có ký hiệu đã bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) cũng từng là nạn nhân khi sản phẩm ống nhựa bị làm giả. Trong 2 năm 2017 - 2018, cán bộ thị trường của Công ty Nhựa Tiền Phong đã kết hợp cùng cảnh sát kinh tế phát hiện và xử lý 3 vụ hàng giả ống nhựa của công ty này.

Trong giai đoạn từ 2014 - 2018, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã xử lý 1.057.000 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách hơn 91.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại rất phức tạp, nhiều vụ việc chưa được phát giác, xử lý.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay; vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ…

Vi phạm sở hữu trí tuệ

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, buôn bán hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang tiếp diễn với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đại tá Nguyễn Minh Tiến, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, năm 2018, lực lượng cảnh sát kinh tế toàn quốc đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm SHTT, trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can, chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm, nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy.

Theo ông Tiến, sở dĩ còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này là do quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc. Đơn cử, Điều 226, Bộ luật Hình sự và Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cùng quy định, đối tượng của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Nhưng Nghị định 99 chỉ quy định mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, mà không quy định mức giá trị hàng hóa tối đa để xử lý hình sự. Điều này dẫn đến thực trạng là dù giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hàng tỷ đồng hoặc lớn hơn nữa thì vẫn có thể xử lý hành chính.

Có một thực tế là chỉ được khởi tố vụ án về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi có yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị xâm phậm quyền SHTT không chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, thậm chí còn không tố giác hành vi vi phạm vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, sản phẩm của công ty khi người tiêu dùng biết sản phẩm đã bị làm nhái, làm giả.

Một thách thức mới nảy sinh trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đến từ thương mại điện tử. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân thành lập các website để quảng cáo, bán hàng qua mạng. Điều này giúp lĩnh vực thương mại phát triển, nhưng cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa hàng hóa của các đối tượng làm hàng giả. 

Ông Nguyễn Đắc Lộc, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, song hành với sự phát triển tích cực của thương mại điện tử là vô số mặt trái.

“Những vấn đề như thông tin cá nhân người mua hàng bị lộ, chất lượng hàng hóa không đúng như chào bán trên mạng; không kiểm soát được địa chỉ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mà website cung cấp; không có địa điểm giao dịch kinh doanh, việc mua bán không có hóa đơn, chứng từ cụ thể… đã khiến công tác phát hiện, quản lý và xử lý trở nên khó khăn hơn”, ông Lộc nói.

Xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho doanh nghiệp

Theo cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp sản xuất phải cố gắng xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho mình. Nếu người dân phát hiện hàng giả thì công ty có thể thưởng để khuyến khích, tiền thưởng đó đưa vào chi phí sản xuất. Nếu làm được như thế sẽ bảo vệ được hàng hóa của mình.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải làm tốt công tác cảnh báo về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về cách nhận diện, tác hại và hình thức xử lý. Song song đó, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho người tiêu dùng biết và tránh.

Tin liên quan
Tin khác