Điểm nóng
Muốn “được việc”, người dân, doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn” cho cán bộ
Mạnh Bôn - 07/05/2015 14:35
Tham nhũng tiếp tục là vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội đem ra mổ xẻ, phân tích tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (dự kiến khai mạc vào ngày 20/5/2015).

“Đây luôn là đề tài nóng tại mỗi kỳ họp Quốc hội, vì tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp”, TS. Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ.

Ông đánh giá thế nào về sự chuyển biến trong công tác chống tham nhũng?

Nói một cách cô đọng nhất, thì tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Phức tạp và nghiêm trọng đến đâu cần phải có tiêu chí, thước đo để đo đếm, định lượng mức độ của tham nhũng gây tác hại tới môi trường đầu tư, kinh doanh; tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tới sự phát triển kinh tế - xã hội thế nào thì mới có thể biết được.

Chống tham nhũng là công việc vô cùng phức tạp, nan giải, nên cần phải có thời gian và sự quyết tâm chính trị rất cao, vì tham nhũng là hoạt động ngầm, có thể xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào, bộ, ngành nào, địa phương nào. Mặc dù không dễ phát hiện tham nhũng, nhưng thông qua giám sát của cơ quan tư pháp, tôi khẳng định, tham nhũng vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

TS. Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

 

Nhận định như vậy, liệu có bi quan, thưa ông?

Không hề bi quan, mà là thực tế. Thực tế là, số cán bộ, công chức, viên chức kể cả trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng có biểu hiện tham nhũng ở mức độ này hay mức độ khác vẫn còn nhiều. Người dân và doanh nghiệp vẫn rất bức xúc với tình trạng tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt, hay nói cách khác, nếu muốn “được việc” thì người dân, doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho cán bộ, công chức.

Tham nhũng không chỉ xảy ra ở những lĩnh vực đất đai, khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng…, mà còn xảy ra ở cả lĩnh vực dạy nghề, xóa đói giảm nghèo.

Cho dù là phức tạp, nhưng đã có nhiều vụ tham nhũng cả to lẫn nhỏ lần lượt bị phanh phui do sự tố giác của quần chúng nhân dân. Vấn đề là, nếu không có chế tài bảo vệ người tố cáo tham nhũng, thì kênh phát hiện tham nhũng quan trọng là quần chúng nhân dân sẽ không phát huy hiệu quả?

Đúng là đã có nhiều vụ tham nhũng được phát hiện thông qua sự tố giác của quần chúng nhân dân, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức chính trị - xã hội…, cho dù các thể chế pháp luật nhằm khuyến khích cả xã hội tham gia vào công cuộc chống tham nhũng, đặc biệt là việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện còn thiếu và chưa thực sự hiệu quả.

Hậu quả là, không ít trường hợp tố cáo tham nhũng đã bị trả thù bằng hình thức này hay hình thức khác. Chính điều này đã cản trở người dân tố cáo tham nhũng. Vấn đề là, bên cạnh việc đưa ra các cơ chế tài chính khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng, như thưởng tiền thích đáng cho người tố cáo, phát hiện ra tham nhũng dựa trên số tiền thu hồi từ vụ tham nhũng phát hiện được, chúng ta cần hoàn thiện thể chế bảo vệ tuyệt đối người phát hiện, tố cáo và chống tham nhũng.

Việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong chống tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của giải pháp này?

Tôi cho rằng, quy định người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai tài sản, sự biến động của tài sản hàng năm chỉ là một trong những giải pháp nhỏ trong chống tham nhũng. Giải pháp này chỉ có hiệu quả thực sự khi cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp và cả xã hội kiểm soát được tài sản của những người có chức, có quyền.

Kiểm soát tài sản không chỉ để chống tham nhũng, mà còn chống rửa tiền, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại… Thế nhưng, cho đến nay, có thể nói rằng, chúng ta chưa kiểm soát được tài sản của toàn xã hội, trong đó có cán bộ, công chức và người có chức vụ, quyền hạn.

Muốn chống được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Kiểm soát tài sản không phải chỉ của cán bộ, công chức, người có trách nhiệm, quyền hạn trong bộ máy công quyền, mà phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội. Nếu chỉ kiểm soát tài sản của người có chức, có quyền, thì khó có thể chống được tham nhũng, vì thực tế đã cho thấy, tài sản của lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhà nước không nhiều, nhưng con cái, bố mẹ, anh em của họ lại sở hữu nhiều khối tài sản khổng lồ. Nếu chỉ kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn, mà không kiểm soát được tài sản của toàn xã hội, thì tiền có được từ tham nhũng, tiền không rõ nguồn gốc sẽ được chuyển sang người khác đứng tên hộ.

Ngoài việc kiểm soát tài sản, khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia, bảo vệ người tố cáo và người trực tiếp chống tham nhũng…, theo ông, cần có thêm những giải pháp gì trong cuộc chiến chống “quốc nạn” này?

Trước hết, phải phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong cuộc chiến chống “quốc nạn” này, thì phòng hơn là chống. Biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là công khai và minh bạch trong tất cả các lĩnh vực, từ tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; minh bạch trong chi tiêu công, đầu tư công; minh bạch trong đấu thầu dự án… đến minh bạch trong công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, quy hoạch cán bộ để người dân biết cá nhân đó có xứng đáng làm “đầy tớ” của nhân dân không.

Tôi cho rằng, công khai, minh bạch là biện pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất trong việc phòng ngừa tham nhũng.

Tin liên quan
Tin khác