Doanh nghiệp
Muốn nhập ô tô phải có cơ sở bảo hành
Khánh An - 26/05/2017 11:18
Bộ Công thương vừa công bố Dự thảo lần thứ hai Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô quy định điều kiện mới về nhập khẩu ô tô (Ảnh: ST)

Doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô mới được quyền nhập khẩu.

Điều kiện để được cấp Giấy phép này là có ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định của Nghị định này.

Điều kiện thứ hai là có cam kết bằng văn bản với Bộ Công thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu.

Về điều kiện cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kể từ ngày 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải sở hữu tối thiểu 1 cơ sở này.

Trước đó, doanh nghiệp có thể sở hữu hoặc ký hợp đồng thuê, hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Đặc biệt, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng này phải có biển hiệu ghi rõ tên doanh nghiệp nhập khẩu, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Theo lý giải của Bộ Công thương, các điều kiện này nhằm để bảo vệ an toàn người tiêu dụng và bảo vệ môi trường.

"Hiện nay, chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà nhập khẩu ô tô nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường", tờ trình của Công thương về nội dung này cho biết.

Việc thiếu các ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu ô tô đang khiến Bộ này lo ngại nhà nhập khẩu không có trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi phát sinh yêu cầu xử lý lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất.

- Hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của nhà nhập khẩu không tương thích với xe nhập khẩu dẫn đến khả năng gây mất an toàn, bởi xe ô tô không chỉ là sản phẩm cơ khí đơn thuần, mà còn là sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ cao (trong đó bao gồm cả các công nghệ đặc thù riêng của các hãng sản xuất như công nghệ điều khiển hệ thống phanh, động cơ hay các phần mềm chuyên dụng của từng hãng xe). Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi sang sử dụng động cơ theo tiêu chuẩn Euro 4, hệ thống điều khiển sẽ được thiết kế sử dụng hệ thống phần mềm điện tử thay vì hệ thống điều khiển cơ khí như trước đây;

Việc thiếu điều kiện với nhà nhập khẩu ô tô cũng được Bộ Công thương cho là không ràng buộc được trách nhiệm triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật đối với nhà nhập khẩu theo thông lệ quốc tế; không đáp ứng được yêu cầu thu hồi, thải bỏ ô tô theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

"Với mục tiêu đảm bảo an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sự phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn, cần thiết phải ban hành các điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, minh bạch, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô tương tự như các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đối với người tiêu dùng và toàn xã hội", Bộ Công thương giải trình.

Tin liên quan
Tin khác