Thời sự
Muốn tái cơ cấu kinh tế, không thể không thay đổi công tác làm quy hoạch
Nguyên Đức - 18/10/2016 15:22
Dự thảo Luật Quy hoạch đang được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV, dự kiến khai mạc sáng 20/10. Nhận định về vai trò quan trọng của dự luật này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, muốn tái cơ cấu kinh tế, không thể không thay đổi công tác làm quy hoạch.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, lâu nay có một cụm từ thường được nhắc tới, đó là “lạm phát quy hoạch”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi dự thảo Luật Quy hoạch cũng đã nhấn mạnh tới tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch treo, lãng phí. Vậy thì tại sao cho tới tận bây giờ, Luật Quy hoạch mới được trình ra Quốc hội?

Thực ra, chúng ta đã nhận thức được sự cần thiết của việc ban hành luật này từ khá sớm. Lý do liên quan đến những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch hiện nay, như quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước; quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.

Lẽ ra, Luật Quy hoạch đã phải trình và thông qua vào kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII, tuy nhiên đây là một luật khó, lần đầu tiên có một luật chi phối, xử lý chung cho các hoạt động quy hoạch trên toàn quốc một cách thống nhất, nên cần thêm thời gian hoàn thiện và tạo sự đồng thuận trong các bộ, ngành, trong dư luận xã hội. Luật Quy hoạch nếu được thông qua sẽ làm thay đổi thói quen, cách xây dựng quy hoạch mà các bộ, ngành, địa phương đã làm trong mấy chục năm qua, lại tác động tới một hệ thống văn bản pháp luật đồ sộ, theo thống kê của chúng tôi là 95 văn bản pháp luật, 85 nghị định… Do vậy, để tạo được sự đồng thuận là không dễ dàng.

Nhưng đến nay, sau 5 năm nỗ lực, chúng tôi rất mừng là Chính phủ đã thông qua Dự thảo Luật Quy hoạch và thống nhất trình lên Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Khi đề cập đến sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch, cơ quan soạn thảo cũng đã đề cập việc quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện. Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, quy hoạch là gạch nối cần thiết không thể thiếu giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, để làm sao đưa nguồn lực vào thực hiện kế hoạch, chiến lược đó. Nguồn lực quan trọng nhất là nguồn lực tài nguyên, như đất đai, nước, khoáng sản... Chúng ta phải tính toán, phân bổ, đưa nguồn lực này vào sử dụng một cách hiệu quả nhất, tối ưu nhất. Đấy là yêu cầu của công tác quy hoạch.

Trước đây, chúng ta có quy hoạch ngành - xuất phát từ chiến lược phát triển ngành, nhưng một bản quy hoạch tổng thể quốc gia để đưa các nguồn lực vào thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì chưa có. Trước kia, từng bộ, từng ngành làm quy hoạch riêng của mình để thực hiện chiến lược phát triển các ngành mình quản lý. Về nguyên lý, khi làm quy hoạch thì có lấy ý kiến của các bộ, ngành khác, nhưng thực tế thì sự tham gia là chưa đầy đủ, không sâu sắc, không có sự tranh luận đến cùng để tìm ra phương án tối ưu sử dụng nguồn lực đó.

Vì làm theo cách như vậy nên khi thực hiện không tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn. Mà tất cả các bản quy hoạch đều có tính pháp lý ngang nhau, do vậy thậm chí dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vừa được phê duyệt một dự án nào đó, thỏa mãn được quy hoạch của ngành A, nhưng cuối cùng lại bị ngành B tuýt còi, vì vi phạm quy hoạch của họ.

Do vậy, tư tưởng quan trọng nhất của Dự thảo Luật Quy hoạch lần này, đó là sẽ thay đổi cách làm quy hoạch. Chúng ta sẽ phải làm một quy hoạch tổng thể quốc gia, bằng phương pháp tích hợp, để hài hòa các quy hoạch ngành trong một chỉnh thể, tránh được mâu thuẫn và chồng chéo.

Vậy còn chuyện bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm, thưa ông? Đây cũng là một trong những nội dung mà dư luận băn khoăn khá nhiều trong thời gian qua…

Bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm cũng chính là một trong những tư tưởng đổi mới quan trọng trong Luật Quy hoạch. Hãy để thị trường quyết định điều này thay vì chúng ta đặt ra quy hoạch cứng xem sản xuất bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu tấn thép… Thế là phi thị trường. Nhà nước chỉ nên quản lý bằng pháp luật, về tài nguyên, năng lượng, môi trường… chứ không can thiệp vào các quyết định vi mô của doanh nghiệp. Hãy cung cấp thông tin, định hướng thị trường và để người dân, doanh nghiệp tự quyết định. 

Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Thứ trưởng, Luật Quy hoạch có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc này của Việt Nam?

Tái cơ cấu nền kinh tế, mấu chốt chính là phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường. Xây dựng quy hoạch tổng thể và công khai nó chính là cách để chúng ta phân bổ nguồn lực được tốt hơn, thay vì xin - cho như lâu nay.

Có hai vấn đề lớn trong Luật Quy hoạch sẽ góp phần tạo ra thay đổi lớn trong việc làm quy hoạch so với trước đây, góp phần thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Thứ nhất, như tôi đã nói ở trên, đó là làm quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp. Trước kia, vẫn có những gạch nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đấy, nhưng các gạch nối đó nhiều khi lại không đi cùng chiều, mà đè lấn, triệt tiêu nhau. Giờ đây, với cách làm tích hợp trong xây dựng bản quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta sẽ tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển đất nước.

Nhiều người vẫn có cảm giác trừu tượng, thậm chí hoài nghi về tính thực tiễn và tính khả thi của việc lập bản quy hoạch tổng thể quốc gia. Một cách dễ hiểu hơn, đó là bản quy hoạch tổng thể chính là “tác phẩm” của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả các ngành cùng đưa bản đồ quy hoạch của ngành mình ra, soi chiếu, rồi trên cơ sở các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngồi lại với nhau, cùng trao đổi, bảo vệ, tranh luận với nhau, làm sao để sau 2-3 năm chúng ta có một bản quy hoạch tổng thể. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ tránh tình trạng tương lai phủ nhận hiện tại, hiện tại phủ nhận quá khứ, xây lên lại đập đi, lãng phí thời gian, tiền của…

Còn vấn đề quan trọng thứ hai, chính là bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm mà tôi vừa đề cập ở trên.

Muốn tái cơ cấu nền kinh tế, không thể không thay đổi công tác làm quy hoạch. Chúng ta đã chậm rồi, không thể chậm thêm được nữa. Luật Quy hoạch cần sớm được thảo luận và thông qua. Chúng ta hãy chọn cái gì tốt nhất cho sự phát triển của đất nước.

Tin liên quan
Tin khác