Doanh nghiệp
Muốn thành công, doanh nghiệp phải giữ lấy hồn cốt Việt
Anh Hoa - 16/10/2022 08:09
Văn hóa dân tộc có vai trò và ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển của một công ty, ngay cả công ty ấy “go global” (tiến ra toàn cầu).
Vingroup muốn đưa VinFast trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu toàn cầu trong vòng 5 - 10 năm. Trong ảnh: VinFast giới thiệu mẫu xe điện tại Mỹ.

Khi khát vọng vấp phải sự nghi ngại của số đông

Thế giới đang khủng hoảng chip (bán dẫn), từ hơn nửa năm nay, rất nhiều nhà máy sản xuất ô tô trên thế giới đã phải tạm dừng sản xuất vì thiếu chip. Coi việc sản xuất chip là an ninh quốc gia, Mỹ đã gấp rút ra Đạo luật Khoa học và CHIPS, trong đó Chính phủ Mỹ đầu tư 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học (52 tỷ USD trong số này sẽ dành riêng cho ngành sản xuất chip).

Trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ, Hãng sản xuất chip Micron đã thông báo kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỷ USD trong hơn 20 năm để xây dựng một tổ hợp nhà máy sản xuất chip máy tính tại New York.

Trong khi đó, Ấn Độ đang “trải thảm đỏ” 10 tỷ USD thu hút các nhà sản xuất chip toàn cầu. Động thái này nằm trong nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi nhằm đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao trong khu vực...

Còn tại Việt Nam, vừa qua, PT Semiconductor - công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software) công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển dòng chip này được thực hiện tại Việt Nam bởi những kỹ sư của FPT Software.

Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC) được thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói. PT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip và đặt kế hoạch tung thêm 7 dòng chip khác trong năm 2023, phục vụ hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

Trong bối cảnh đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được dự báo vượt giá trị 6,16 tỷ USD, FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho chính các công ty, tập đoàn trong nước. Vậy nên, công bố của FPT phần nào hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.

Dẫu vậy, bên cạnh sự vui mừng, cũng có không hiếm hoài nghi về thành công của FPT. Có băn khoăn rằng, liệu FPT có phải là nhà sản xuất chip không, hay chỉ là người thiết kế chip thôi. Cũng có câu phủ nhận kiểu như thiết kế chip thì ở Việt Nam có nhiều nhóm đã thiết kế chip trước cả FPT.

Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT và ông Trần Đăng Hòa, Phó tổng giám đốc FPT Software khẳng định, việc FPT thành lập FPT Semiconductor có nghĩa rằng, công ty sẽ sản xuất, kinh doanh, thương mại chip. Trong ngành sản xuất chip, thì thiết kế và thương mại là 2 khâu quan trọng nhất, gần như là tất cả; còn sản xuất thì hoặc đặt gia công, hoặc đầu tư nhập dây chuyền khi quy mô đủ lớn.

Điều này gần giống Apple, họ chỉ thiết kế kiểu dáng, màu sắc, vật liệu, tính năng và phần mềm iOS cho iPhone thôi, còn Foxconn và Luxshare sản xuất. Thế nhưng, không ai khẳng định iPhone không phải của Apple.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, FPT không nói mình là người đầu tiên ở Việt Nam thiết kế chip, nhưng chắc chắn là người đầu tiên ở Việt Nam thiết kế, tổ chức sản xuất và thương mại chip. Khi FPT thành lập công ty bán dẫn và công bố rộng rãi, thì FPT đã thiết kế xong và đã có khách hàng mua chip với số lượng lên tới hàng triệu, hàng chục triệu sản phẩm.

Trước mắt, FPT tập trung thương mại chip tại thị trường Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu, sau đó mới đến thị trường Việt Nam. Thế nên, nhóm sản xuất này khẳng định, việc thế giới, đặc biệt là giới sản xuất, kinh doanh chip toàn cầu ghi nhận FPT là nhà sản xuất chip mới quan trọng và trên thực tế họ đã công nhận.

Có thể nói, trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ chip là công nghệ cao nhất. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là những “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất chip, trong khi bất cứ quốc gia nào cũng đều muốn đặt chân vào chuỗi sản xuất chip toàn cầu.

“Việc thành lập FPT Semiconductor để sản xuất chip của FPT chính là sự khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt, góp phần đưa Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng chip toàn cầu, một lĩnh vực công nghệ cao nhất, cốt lõi nhất của mọi thiết bị công nghệ xung quanh con người”, ông Đỗ Cao Bảo khẳng định.

Doanh nghiệp Việt phải rất Việt

Câu chuyện FPT sản xuất chip không khác gì việc thực hiện khát vọng khẳng định vị thế của xe điện Việt trên đất Mỹ của VinFast. Không chỉ vậy, Vingroup còn muốn đưa VinFast trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu toàn cầu trong vòng 5 - 10 năm.

Muốn thành công lớn, muốn được người ta kính trọng, thì trong bất luận hoàn cảnh nào, doanh nghiệp phải giữ được văn hóa Việt, hồn cốt Việt, gốc rễ Việt, dù có đi đâu, ở đâu, làm gì.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu từng chia sẻ với giới truyền thông toàn cầu chuyện vấp phải “những tảng đá lớn” trong thực thi chiến lược này. Ban đầu, mọi người đều nói rằng, việc chế tạo ô tô trong 2 năm là không thể, thậm chí còn bị gọi là điên rồ, nhưng VinFast đã tung ra 3 mẫu xe hơi trong 21 tháng.

Thị trường xe điện toàn cầu được định giá 185 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng 24,5% mỗi năm để đạt 980 tỷ USD vào năm 2028. VinFast đang tích cực nhắm đến thị trường ô tô Mỹ và châu Âu. Đây là tham vọng lớn, khi Trung Quốc chiếm khoảng một nửa thị trường xe điện toàn cầu, nhưng chưa có công ty nào của nước này “nhảy” vào chinh chiến ở thị trường Mỹ.

Không chỉ lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, mà ở một số lĩnh vực sản xuất khác, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt cũng có khát vọng vươn ra toàn cầu. Chẳng hạn, ở lĩnh vực gia vị, ẩm thực, đó là khát vọng đưa Việt Nam thành “bếp ăn của thế giới”, đến hành trình đưa gia vị Việt ra thế giới của Dh Foods với nhà sáng lập Nguyễn Trung Dũng.

Hàng trăm loại gia vị đặc sản vùng miền của Dh Foods được bày bán trên toàn quốc và những thị trường quốc tế như Nhật Bản, Đức, Anh… Hiện doanh nghiệp này sở hữu danh mục hơn 150 sản phẩm với đầy đủ những loại gia vị tự nhiên, chấm, nấu, ướp..., từ phổ biến đến đặc sản từng vùng miền. Khi thị trường dần quen thuộc với muối chấm, sốt chấm, Dh Foods tiếp tục cải tiến sản phẩm hiện hữu và cho ra đời những sản phẩm mới, trong đó nổi bật là dòng sản phẩm natural với các loại gia vị tự nhiên, gia vị nấu, ướp…

Đến nay, sản phẩm của Dh Foods đã hiện diện tại 4 châu lục, lên kệ tại những quốc gia nổi tiếng khó tính, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, trong đó có Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia... Sau gần một thập kỷ, Dh Foods vẫn đang tiếp cận và chinh phục thị trường bằng những bước đi thận trọng, không quên những nguyên tắc “bất di bất dịch” về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đã đặt ra từ những ngày đầu.

Ông Murthy, người sáng lập, cựu Chủ tịch Infosys, một công ty phần mềm Ấn Độ hùng mạnh từng nói, một công ty muốn được thế giới kính trọng, phải bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc mình. Công ty Mỹ phải rất Mỹ. Công ty Nhật phải rất Nhật. Công ty Ấn phải rất Ấn. Công ty Việt phải rất Việt.

97% doanh số của Infosys đến từ thị trường nước ngoài, chỉ có 3% doanh số từ thị trường nội địa, trong đó riêng thị trường Âu Mỹ chiếm đến 84%. Những năm qua, Infosys đã bỏ ra hơn 1,2 tỷ USD để mua lại 16 công ty IT của Mỹ, châu Âu và Israel. Một công ty rất quốc tế như Infosys, nhưng vị lãnh đạo cao nhất vẫn khẳng định, Infosys phải rất Ấn Độ nếu muốn thế giới kính trọng mình.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, điều đó nói lên rằng, văn hóa dân tộc có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của một công ty, ngay cả công ty ấy “go global”. Những doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thành công nhất đều có chung công thức: công nghệ và quản trị học phương Tây, nhưng văn hóa lại rất Việt Nam. Còn những doanh nghiệp mang cả văn hóa Tây, cố gắng hoặc tỏ ra mình “rất Tây”, thì khó thành công, hoặc chỉ thành công ở mức nhỏ và trung bình.

Muốn thành công lớn, muốn được người ta kính trọng, thì trong bất luận hoàn cảnh nào, doanh nghiệp phải giữ được văn hóa Việt, hồn cốt Việt, gốc rễ Việt, dù có đi đâu, ở đâu, làm gì. Ông Bảo cho rằng, có 2 điểm được coi là hồn cốt, văn hóa Việt mà các doanh nghiệp, doanh nhân cần gìn giữ. Đầu tiên là phải yêu nước Việt và dân tộc Việt, phải đau xót hay buồn khi nước Việt và dân tộc Việt còn nghèo, còn có những điểm chưa tốt.

Thứ hai là người Việt sống tình cảm, trọng nghĩa hơn trọng tài, sống khiêm nhường, đối xử chân tình, hết lòng vì bạn bè, đối tác, không bỏ rơi bạn bè, đối tác khi khó khăn, khéo léo trong giao tiếp, trong tập thể thì đề cao tinh thần đồng đội, hỗ trợ nhau cả trong công việc lẫn trong cuộc sống.

Tin liên quan
Tin khác