Theo số liệu của Tổng cục thống kê, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lớn nhưng hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 người. Trong số đó, phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ bùng nổ mạnh mẽ cũng góp phần làm tăng số lượng doanh nghiệp. Thế nhưng, cùng với sự gia tăng nhanh chóng đó thì số lượng doanh nghiệp giải thể hàng năm lên đến vài chục ngàn. Điều này cho thấy việc thành lập doanh nghiệp không hề đơn giản.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp, Trưởng phòng tuyển dụng của Careerlink.vn, trang web tìm kiếm việc làm và tư vấn tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, cho biết rất nhiều bạn chia sẻ về ước mơ tự mình làm chủ nhưng lại chưa chuẩn bị đủ hành trang cho con đường khởi nghiệp của mình nên thất bại là điều khó tránh khỏi.
Dưới đây là 4 khó khăn mà các bạn thường gặp phải khi quyết định thành lập công ty riêng cho mình.
Nguồn vốn đã đủ mạnh?
Như đã đề cập, vốn không phải là yếu tố duy nhất nhưng là yếu tố đầu tiên doanh nghiệp buộc phải có. Người thành lập doanh nghiệp không nên quá trông chờ hay hỵ vọng việc gọi vốn từ người thân quen hoặc bạn bè. Nếu công ty không có kế hoạch hoặc đường hướng phát triển rõ ràng thì không một ai muốn góp vốn vào cả. Và nguồn vốn từ người thân cũng rất dễ cạn kiệt nếu doanh nghiệp liên tục gặp khó khăn trong thời gian đầu thành lập, mà điều này rất thường xảy ra. Do đó, nếu vốn không đủ mạnh thì doanh nghiệp có thể bị "chết yểu".
Nhưng bao nhiêu là đủ mạnh? Không có con số chính xác vì nó tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh, số lượng nhân sự, khả năng nhạy bén của doanh nghiệp và mặt bằng. Chủ doanh nghiệp nên ước tính chi phí tối thiểu cần thiết cho hoạt động của công ty từng tháng và đảm bảo kế hoạch dự trù trong vòng một năm công ty vẫn tồn tại được dù chưa sinh lời. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể tạm yên tâm để xây dựng đường lối kinh doanh mà không bị các chi phí hàng tháng chi phối.
Sự am hiểu về ngành nghề có sâu sắc?
Chọn ngành mà xã hội đang ưa chuộng hoặc mọi người đang làm có vẻ đơn giản hơn cho doanh nghiệp vì không mất quá nhiều thời gian để tiếp cận với khách hàng. Tuy nhiên, nếu không am hiểu hay không yêu thích thì việc chán nản rất dễ xảy ra. Chưa kể nếu thị trường thay đổi xu hướng thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng mất phương hướng, không xác định được tương lai phát triển cho công ty của mình. Do vậy, nên chọn ngành nghề kinh doanh mà chủ doanh nghiệp có kiến thức sâu rộng hoặc có sự đam về về lãnh vực ngành nghề liên quan. Bởi kinh nghiệm và sự đam mê sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững hoặc biến hóa uyển chuyển theo sự thay đổi của thương trường.
Có năng lực điều hành?
Rất nhiều doanh nghiệp mơ ước công ty có thể phát triển lớn mạnh với đội ngũ nhân viên hùng hậu, văn phòng quy mô, phúc lợi đầy đủ và bản thân người chủ sẽ có phòng riêng, ngày ngày đến văn phòng trên xe hơi và công việc chủ yếu là ký giấy tờ hoặc đi gặp đối tác. Nhưng thực tế ban đầu thì doanh nghiệp chỉ có vài người đảm nhận hầu hết các công việc. Và chủ doanh nghiệp thường sẽ là người cáng đáng nhiều vai trò nhất từ việc lập kế hoạch kinh doanh, lên chiến lược marketing, có khi phải làm nhiều việc như bán hàng, giao hàng để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất.
Ngay cả những vị trí cần phải thuê nhân sự như kinh doanh, kế toán... thì chủ doanh nghiệp vẫn phải có kiến thức để hiểu được những gì nhân viên đang làm. Tuyệt đối không được mặc kệ nhân viên tự xoay sở trong công việc của mình bởi khi có sự cố, chủ doanh nghiệp sẽ không thể biết chuyện gì đã khiến mọi thứ rối tung và tệ hơn là công ty có thể gặp những rắc rối về mặt luật pháp chỉ vì người đứng đầu không có kiến thức.
Sở hữu các kỹ năng mềm thiết yếu của một nhà quản lý?
Thời gian đầu, doanh nghiệp cần rất nhiều chi phí mà lại chưa sinh lời, chủ doanh nghiệp dễ bị áp lực về kinh tế khi chưa kịp làm gì thì hàng đống hóa đơn cần thanh toán đã xuất hiện. Khó khăn thường làm tâm lý trở nên không thoải mái; chủ doanh nghiệp thường nổi giận khi thấy nhân viên vi phạm nội quy hoặc lãng phí tài nguyên của công ty như điện, nước, giấy..
Đây là một vấn đề khá nan giải bởi thực tế là “Kinh tế quyết định tất cả”; nếu chủ doanh nghiệp bị chi phối vì áp lực tài chính thì việc mệt mỏi và nổi cáu là điều không tránh khỏi. Nhưng không nên trút giận lên các nhân viên dù không có lý do gì; hoặc nếu cần phê bình thì hãy nghiêm khắc nhưng không được xúc phạm hay thóa mạ nhân viên bởi điều đó chỉ làm tình hình càng xấu đi.
Có rất nhiều vấn đề mà các bạn trẻ cần phải hiểu khi quyết định chọn con đường khởi nghiệp: Nó không hề dễ dàng mà ngược lại cực kỳ áp lực và những áp lực này sẽ không kết thúc trong vài ngày hay vài tháng. Do đó, nếu chưa chuẩn bị được đầy đủ kiến thức, vốn liếng, kinh nghiệm và cả tinh thần thì đừng ngại ngần đi làm một thời gian để tích lũy; khi đó quá trình khởi nghiệp có thể giảm bớt áp lực và doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn.