Để phát triển như Thượng Hải, Thâm Quyến của Trung Quốc, TP.HCM nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Trước hết, để xây dựng Thành phố theo hướng như thế nào, cần phải xem xét 2 nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng thành phố thành một trung tâm kinh tế lớn. Cụ thể, với Nghị quyết 20-NQ/TW ban hành năm 2002 và Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2012 về định hướng phát triển TP.HCM, cần hiểu theo 2 ý. Thứ nhất, xây dựng một thành phố văn minh hiện đại. Thứ hai, làm thế nào để TP.HCM ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực như Bangkok, Manila…
Để đạt được mục tiêu này, về mặt quy hoạch, Thành phố đã có quy hoạch về không gian đô thị. Tư tưởng quy hoạch không gian đô thị xuyên suốt từ năm 1985 đến nay là phát triển đa trung tâm, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực dân số trong các quận nội thành.
TS Trần Du Lịch |
Bên cạnh đó, về kinh tế xã hội, định hướng của kinh tế Thành phố vẫn phát triển như một nền kinh tế đô thị. Theo đó, việc chọn công nghiệp, dịch vụ và công nghiệp... đã được định hướng rất rõ.
Như vậy, yêu cầu đầu tiên đối với TP.HCM chưa thể nói là có bằng hay không bằng với Thâm Quyến, Thượng Hải hay các thành phố lớn khác trong khu vực, mà để giải quyết được những bất cập hiện nay, đòi hỏi TP.HCM phải đổi mới mô hình quản lý đô thị.
Có nghĩa là, chính quyền Thành phố cần cải cách nhiều hơn nữa mới có thể phát triển và sánh với các thành phố lớn trong khu vực?
Thành phố được xem là tiền đồ trong quá trình hội nhập. Từ lâu, các nghiên cứu cho rằng, Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới chỉ có thể thành công khi Thành phố hội nhập thành công. Đây được xem là cửa ngõ giao thương có truyền thống. Vì thế, theo tôi, cần tiếp tục có những cải cách và đổi mới về thể chế, trong đó có môi trường đầu tư - kinh doanh, để làm sao Thành phố là cái gương của cả nước, đi đầu trong vấn đề xây dựng một nền hành chính phục vụ.
Một trách nhiệm trong hội nhập được nói một cách nôm na là, chính quyền TP.HCM phải là bà đỡ đối với các doanh nghiệp, để họ có thể nâng tầm, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực cũng như thế giới. Đây là điều mà Thành phố hoàn toàn có thể làm được, bởi đầu tư về cải cách và mô hình quản lý, thể chế được xem là đầu tư rẻ nhất, mà mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu làm tốt được việc này, thì hiệu quả đầu tư của những việc khác sẽ được nâng lên.
Điểm cuối cùng, Thành phố phải giải quyết được sự bất cập và bất hợp lý hiện nay khi TP.HCM là nơi tập trung nguồn lực khoa học - kỹ thuật lớn, đứng thứ hai (chỉ sau Hà Nội), nhưng việc huy động nguồn lực này còn hạn chế. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động được các nguồn lực khoa học - kỹ thuật tham gia vào quá trình phát triển Thành phố. Những vấn đề này, Thành phố có thể bắt tay làm ngay. Có như vậy, TP.HCM mới có thể phát triển nhanh và tốt hơn.
Vậy chính quyền TP.HCM hiện nay đã làm tốt vai trò “bà đỡ’’ cho các doanh nghiệp?
Câu trả lời của tôi là chưa, bởi muốn làm tốt, phải phát triển được nền hành chính phục vụ. Trong khi đó, các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, chính quyền Thành phố chưa làm tốt vai trò bà đỡ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc giảm thủ tục hành chính về thuế, rút ngắn thời gian khai thuế, rút ngắn thời gian thông quan hải quan, giảm phiền hà cho các doanh nghiệp... trong hoạt động xuất nhập khẩu... cũng cần được đánh giá xem Thành phố đã đi đầu trong vấn đề này hay chưa. Tôi cho rằng, với các vấn đề này, Thành phố còn phải phấn đấu rất nhiều.
Vấn đề này đã nhận thấy rõ, nhưng vì sao vẫn chưa thể cải cách, thưa ông?
Liên quan bộ máy hành chính, cần cải cách đồng bộ 3 mảng: cải cách hành chính, cải cách bộ máy tổ chức và cải cách con người. Phải cải cách cả 3 mảng trên mới có thể xử lý được các vấn đề tồn tại.
Từ năm 1995, quy hoạch phát triển TP.HCM theo nguyên tắc đa trung tâm, không để dân hướng về một trung tâm. Thế nhưng hiện nay, khu trung tâm quận 1 tập trung quá nhiều khu cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nên không thể chống kẹt xe được. Đây là điều mà chúng ta có thể nhìn xa được, vấn đề là Thành phố phát triển không đồng bộ.
Theo ông, có nên xây dựng thành phố trở thành đặc khu kinh tế như đã được đề xuất?
Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề đặc khu kinh tế, mà nếu như Trung ương đã chấp thuận mô hình chính quyền thành phố đã đề xuất trước đây, thì hoàn toàn có thể làm theo mô hình đó và có thể nâng lên. Bởi mô hình đặc khu hoàn toàn khác, không thể tổ chức cả TP.HCM thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn hay Phú Quốc được.
Trong Đề án nghiên cứu từ năm 2007 mà tôi là người chấp bút, chúng tôi đã nghiên cứu cả Thượng Hải (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc), Paris (Pháp)… để đưa ra mô hình gần với điều kiện của TP.HCM. Tôi muốn TP.HCM là chính quyền đô thị trọng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm cao. Thành phố có 2 công cụ quan trọng để xây dựng mô hình chính quyền đô thị và xây dựng cơ chế tự chủ nhiều hơn. Đó là Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2002 và Nghị quyết 16-NQ/TW , trong đó có nêu rõ: đối với những vấn đề luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp, thì Thành phố đề nghị Chính phủ cho làm thí điểm.