Chỉ tập trung vào bán lẻ vẫn thu về trăm ngàn tỷ đồng
Đều đặn mỗi năm trong 6 năm kể từ khi lên sàn, MWG đều góp mặt trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes. Năm ngoái, lần đầu tiên MWG vươn lên vượt mốc doanh thu 100 ngàn tỷ, đạt 102.174 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là 3.834 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 18% doanh thu và 33% lợi nhuận so với năm trước, qua đó ghi danh và trở thành một trong 3 cái tên hiếm hoi trong "Câu lạc bộ trăm ngàn tỷ".
Thế Giới Di Động vượt qua rất nhiều tên tuổi thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng đình đám, đồng thời cũng là một trong số ít các công ty trên sàn không liên quan tới bất động sản. Thậm chí, cơ hội để MWG vượt lên trong top 3 là vô cùng lớn khi mọi kế hoạch cho tăng trưởng đều đã sẵn sàng.
Trong phần bình luận xếp hạng, Forbes Việt Nam cho biết: "Năm 2020 ngành bán lẻ gặp nhiều thách thức, nhưng Thế Giới Di Động tiếp tục giữ vững vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam khi đẩy mạnh mở rộng hệ thống Bách hóa Xanh".
Chưa dừng lại ở số 1 Việt Nam
Mặc dù đã vững vàng ở vị trí số 1 trong ngành bán lẻ và điền tên trong "Câu lạc bộ trăm ngàn tỷ", tham vọng của Thế Giới Di Động dường như chưa dừng lại ở đó. Nếu theo những kế hoạch công ty này từng công bố thì một vị trí xứng đáng trên thị trường khu vực có lẽ sẽ là điều công ty nhắm đến.
Tháng 8 vừa qua, Điện máy Xanh vừa "trình làng" mô hình mới Điện Máy Xanh supermini nhằm chiếm lĩnh thị trường điện máy nông thôn với tham vọng giành 60% thị trường bán lẻ điện máy cả nước.
Mô hình Bluetronics tại Campuchia dự kiến tới cuối năm nay sẽ hoàn tất việc bao phủ thị trường này, dự kiến sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh thu chung của toàn công ty. Hơn hết, một mô hình Bluetronics hoàn thiện sẽ giúp MWG mang đến các thị trường lớn hơn và có mức chi tiêu cao hơn trong khu vực là Philippines, Indonesia, Malaysia...
Tại các Bảng xếp hạng kinh doanh từ châu Á đến Việt Nam, MWG luôn ở ‘"Top đầu" |
Ở lĩnh vực nhu yếu phẩm, Bách hoá Xanh cũng đang "đe dọa" ngôi vị số 1 của nhà bán lẻ hiện tại ở phân khúc siêu thị mini khi dẫn dắt sự tăng trưởng về số lượng cửa hàng của toàn phân khúc. Số lượng cửa hàng của chuỗi đã gấp đôi chỉ sau 12 tháng trong khi các nhà khác liên tục đóng cửa vì kém hiệu quả hoặc không thể mở mới.
Báo cáo của Nielsen gần đây cũng cho thấy Bách hóa Xanh tăng trưởng 3 con số lên đến 138%, trong khi toàn kênh bán lẻ hiện đại chỉ tăng 15% và kênh truyền thống sụt giảm 3%.
Với kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực bán lẻ và khả năng ứng biến nhanh nhạy, những kế hoạch trên nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng doanh thu ở mức cao có lẽ không phải là quá khó để thực thi. Và vì thế, vị thế số 1 Việt Nam có lẽ sẽ là "chiếc áo quá chật" cho một cơ thể luôn phát triển nhanh như MWG.