Năm 2020, chính phủ Mỹ từng ban hành lệnh cấm nhập khẩu găng tay phẫu thuật của 2 công ty con thuộc Tập đoàn Top Glove (Malaysia). Ảnh: AFP |
Đây là lệnh cấm nhập khẩu lần thứ 7 mà cơ quan chức năng Mỹ áp dụng đối với một công ty Malaysia trong vòng 2 năm qua. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ hôm 28/1 cho biết họ ban hành lệnh cấm "dựa trên thông tin đượcđưa ra một cách hợp lý việc sử dụng lao động cưỡng bức trong hoạt động sản xuất của Tập đoàn YTY".
Nhiều nhà máy ở Malaysia, trong đó có một số nhà cung cấp dầu cọ và găng tay y tế lớn trên thế giới, đã bị phía Mỹ giám sát chặt chẽ hơn do nghi ngờ lạm dụng lao động nước ngoài, một bộ phận đáng kể trong lực lượng lao động sản xuất của quốc gia Đông Nam Á.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết trong quá trình điều tra Tập đoàn YTY họ đã xác định được 7 trong số 11 chỉ số về lao động cưỡng bức mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra, trong đó có đe dọa, nợ nần, ngược đãi điều kiện sống và làm việc, và làm thêm giờ quá mức.
Ngoài Tập đoàn YTY, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ cũng xác định được rằng nhà sản xuất dầu cọ Sime Darby Plantation (Malaysia) sử dụng lao động cưỡng bức trong hoạt động sản xuất và hàng hóa của công ty này đã được đưa vào diện tịch thu.
Theo lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 28/1, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ sẽ tạm giữ hàng hóa do Tập đoàn YTY và các công ty con (YTY Industry, Green Prospect, và GP Lumut) sản xuất tại Malaysia và đang chờ thông quan tại các cảng của Mỹ.
Vào tháng 7/2020, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu găng tay phẫu thuật của 2 công ty con thuộc Tập đoàn Top Glove (Malaysia) do lo ngại liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức. Quyết định mạnh tay này được Mỹ đưa ra trong bối cảnh nhu cầu găng tay y tế trong nước tăng vọt do dịch Covid-19 và quốc gia này vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Ở thời điểm đó, Tập đoàn Top Glove, với năng lực sản xuất hơn 70 tỷ găng tay/năm, cho biết lệnh cấm ảnh hưởng đến khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu găng tay phẫu thuật sang Mỹ.
Malaysia là nhà cung cấp găng tay cao su lớn nhất thế giới, song ngành sản xuất này lâu nay đối mặt với các cáo buộc ngược đãi lao động, chủ yếu là trả lương thấp cho những lao động nhập cư.