Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP |
"Tôi đề cập đến thời hạn trả nợ là ngày 18/10 tới. Đối với chúng tôi mà nói, sẽ là thảm kịch nếu không thanh toán được các khoản nợ của chính phủ, trong tình thế mà chúng tôi thiếu nguồn để chi trả các khoản nợ chính phủ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC hôm 5/10.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/10 kêu gọi Quốc hội nới trần nợ trong tuần này để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế tới gần. Ông Biden chỉ trích các thành viên đảng Cộng hòa và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã cản đường một dự luật về gỡ trần vay nợ bằng "chiêu" Filibuster - một thủ thuật mà phe thiểu số trong Quốc hội vận dụng để phản đối một dự luật đã nhận được đồng thuận của đa số và tranh luận không giới hạn thời gian.
"Tôi cho rằng, điều đó cũng có thể gây ra một cuộc suy thoái", Bộ trưởng Janet Yellen nói.
Trong nhiều tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ đã lên tiếng cảnh báo "bà đầm thép" Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện và Lãnh đạo phe đa số Thượng Viện Chuck Schumer rằng Mỹ sẽ có thể không thực hiện đúng cam kết trả nợ vào ngày 18/10. Các nhà làm luật Mỹ phải nới hoặc hoãn áp dụng trần vay nợ trước ngày tới hạn 18/10 hoặc phải đối mặt với vụ vỡ nợ chưa từng có tiền lệ.
Bộ Tài chính Mỹ đang vận dụng cái gọi là "các biện pháp bất thường khẩn cấp" như nắm trữ thêm tiền mặt và rút bớt tiền từ các tài khoản cố định mà không phát hành trái phiếu mới. Nhưng theo đánh giá của họ, những biện pháp này là tạm thời và chỉ chống đỡ được đến giữa tháng 10.
Dù Mỹ chưa từng "vỡ trận" thanh toán nợ, nhưng các nhà kinh tế cho rằng một vụ vỡ nợ có thể gây ra những tổn thất lớn, khiến lãi suất tăng vọt, tổn hại đến niềm tin vào khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn của Washington và hơn nữa là nguy cơ thực hiện chương trình trái phiếu xã hội cho khoảng 50 triệu người cao tuổi (trên 55 tuổi) bị đình trệ. Ngoài ra, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, khoản chi trả cho những người phục vụ trong lực lượng vũ trang cũng bị trì hoãn.
Hệ lụy nữa là một số quốc gia sẽ cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như nhu cầu đô la Mỹ. Điều này có thể mở đường cho Trung Quốc hớt tay trên, đưa nhân dân tệ vượt đồng bạc xanh để trở thành đồng tiền được ưa dùng trên thế giới.
"Trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành lâu này được xem là tài sản an toàn nhất trên thế giới", Bộ trưởng Yellen nói. "Đây cũng là cơ sở để nắm giữ đô la Mỹ. Vậy câu hỏi đặt ra là việc chúng ta thất hẹn thanh toán nợ đến hạn, liệu sẽ thực sự là một kết cục bi thảm", bà Yellen lo ngại.
Các nhà làm luật của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nhận ra sự cần thiết phải tăng trần nợ hiện nay của Mỹ, nếu không sẽ có vụ chấn động kinh tế. Thế nhưng, những gì cả hai bên thể hiện tính đến sáng 5/10 (giờ) đều cho thấy khả năng đi đến nhất trí nới trần nợ vẫn còn xa.
Phe Cộng hòa lâu nay quan ngại về những kế hoạch chi tiêu vung tay mà chính quyền Biden đưa ra trong thời dịch. Họ cho rằng Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Pelosi và Lãnh đạo phe đa số Thượng Viện Schumer nên "đơn thương độc mã" giải quyết vấn đề bằng cách hoãn chính sách an sinh xã hội hàng nghìn tỷ USD và đạo luật về biến đổi khí hậu.
Trong kiến nghị gửi Tổng thống Biden vào ngày 4/10, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell nhắc lại rằng: "Kể từ giữa tháng 7, các thành viên đảng Cộng hòa đã cảnh báo rõ ràng rằng phe Dân chủ cần phải tự mình giải quyết trần nợ". "Lưỡng đảng không phải là 'cái công tắc điện' mà bà Pelosi và ông Schumer thích thì bật lên để vay tiền và tắt đi để chi tiêu", ông McConnell nêu.
"Hai tháng rưỡi qua, chúng tôi đã cảnh báo, kể từ khi đảng của ông (đảng Dân chủ của Tổng thống Biden - BTV) muốn tự điều hành, thì nó phải tự giải quyết vấn đề trần nợ", Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện nhấn mạnh.