Dự án đã xây dựng được 6 mô hình theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, đáp ứng mục tiêu “ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. |
Đó là thông tin được nêu tại Hội thảo Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai áp dụng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới (NTM), do Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức, sáng 28/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai cho biết, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, kết quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả rất lớn, thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước ghi nhận và nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Tính đến nay, cả nước có 4.665 xã (chiếm 52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM và 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).
Trước thực tế trên, việc thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với kế hoạch PCTT, đưa yếu tố an toàn trước thiên tai của cộng đồng dân cư vào trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới là hết sức cần thiết và cấp bách.
Việc xây dựng triển khai mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng trên cả nước nhằm phát huy hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Bởi, tình hình thiên tai trên thế giới và tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, khó lường và không theo quy luật. Thực tế vừa qua, nhiều xã được công nhận nông thôn mới, chỉ sau một trận lũ, cơn bão, nhiều thành quả đã bị mai một, thậm chí bị xóa sổ.
Năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 576 trận thiên tai; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL. Các loại hình thiên tai đã làm 357 người chết, mất tích; 912 người bị thương, và nhiều thiệt hại khác,... Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 39.940 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong khoảng 2 tháng (từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 11), đã xảy ra bão, mưa, lũ lớn lịch sử tại khu vực Trung Bộ, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sĩ; hàng trăm ngàn hộ dân bị ngập lụt; phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai cho biết, Dự án Xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng NTM (Dự án) được thực hiện từ tháng 7/2018 - 12/2020. Mục tiêu là xây dựng mô hình thí điểm “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng NTM để nhân rộng ra cả nước.
Dự án đã xây dựng được 6 mô hình theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, đáp ứng mục tiêu “ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Xã điểm Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đại diện cho khu vực miền núi phía Bắc nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, băng tuyết, sương muối, lốc, sét, mưa đá.
Xã điểm Hợp Đức (nay là xã Thanh Quang), huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, đại diện cho khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Đồng bằng sông Hồng) nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai: Lũ, bão, ATNĐ, mưa lớn, ngập lụt, hạn hán, rét hại, lốc, sét.
Xã điểm Hưng Nhân (nay là xã Châu Nhân), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đại diện cho khu vực Bắc Trung Bộ nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai: Lũ, ngập lụt, hạn hán, bão, ATNĐ, hạn hán, rét hại, lốc, sét.
Xã điểm Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đại diện cho khu vực Đô thị lớn nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai: Bão, mưa lớn, ngập úng, lốc, nắng nóng.
Xã điểm Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, đại diện cho khu vực Tây Nguyên nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai: Nắng nóng, hạn hán, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, lốc, sét.
Xã điểm Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, đại diện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai: Bão, ATNĐ, lũ, ngập lụt, triều cường, nước dâng do bão, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, lốc, sét.
Qua kết quả triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm, ông Quang cho biết, để việc triển khai nhân rộng mô hình đạt kết quả, Ban chỉ đạo TW về PCTT và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM cần sớm ban hành “Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã đủ điều kiện phòng chống thiên tai tại chỗ” trên cơ sở kết quả triển khai của dự án đồng thời chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai nhận rộng.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Cơ quan quản lý thiên tai và cơ quan tham mưu xây dựng NTM các cấp trong việc kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tại các địa phương thông qua việc tham gia của Cơ quan quản lý thiên tai trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xét duyệt đạt chuẩn từ Trung ương đến địa cơ sở.
Việc xây dựng mô hình thí điểm ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và ban hành bộ tài liệu tập huấn về kiến thực, kỹ năng cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.
Đặc biệt, trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cần thiết phải xây dựng Đề án về thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” trong xây dựng NTM trong đó ưu tiên vào việc Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị 42/CT-TW của Ban Bí thư và nghị quyết 76/2018/NQ-CP của Chính phủ...