Thời sự
Năm 2022 ưu tiên nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương
Nguyễn Lê - 11/09/2021 12:04
Ban hành Nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
Tại phiên họp thứ hai (tháng 8/2021) Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo nghị quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa công bố Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Gồm 3 chương, 7 điều, Nghị quyết nêu rõ các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước nói chung và nguyên tắc cho các Bộ, cơ quan trung ương vàcho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về nguyên tắc chung, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2022 - 2024, Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Nguyên tắc tiếp theo là ưu tiên nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đưa tối đa các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của các Bộ, cơ quan trung ương với yêu cầu triệt để tiết kiệm; giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, các đoàn đi công tác nước ngoài; ưu tiên mức phân bổ kinh phí cho khối các cơ quan tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, nghị quyết nêu rõ.

Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; bảo đảm công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu. 

Trong tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Chính phủ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết này theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ cũng được giao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong trường hợp bổ sung hoặc sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 ngoài các quy định tại Nghị quyết này.

Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết định mức phân bổ đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm ngân sách 2022.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.

Tin liên quan
Tin khác