Tình hình xuất nhập khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu có nhiều điểm vượt trội, đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, với 201,1 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (18% so với 17,1%), nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn thấp hơn nhiều (26,3% so với 73,7%).
Tăng trưởng đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu (38/45); trong đó có 12 mặt hàng có mức tăng cao (trên 500 triệu USD). Có 30 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng khá (8,03%), chiếm gần 50% tốc độ tăng kim ngạch. Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều có xuất khẩu, với 53 địa bàn đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 27 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 10 địa bàn đạt trên 5 tỷ USD (TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương). Có 55 địa bàn tăng, với 7 địa bàn có mức tăng trên 1 tỷ USD. Có 69/80 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD.
Nhập khẩu đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đạt 202 tỷ USD, với mức tăng trưởng khá cao (15,3%), trong đó giá tăng 11,21%, lượng chỉ tăng 3,7%.
Trong 6 tháng xuất siêu, nhưng do nửa đầu tháng 7 nhập siêu lớn, nên tính đến ngày 15/7 đã nhập siêu 155 triệu USD.
Dự báo cả năm và những vấn đề cần giải quyết
Dự báo xuất nhập khẩu, xuất siêu, nhập siêu trong hơn 5 tháng cuối năm và cả năm 2022 cụ thể như sau.
Về xuất khẩu, năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD. Trong 6 tháng rưỡi đầu năm 2022 đạt 201,1 tỷ USD, tăng 17,3%, suy ra cùng kỳ năm 2021 đạt 171,4 tỷ USD và 5 tháng rưỡi cuối năm 2021 đạt 164,9 tỷ USD. Với dự báo đạt bằng mức bình quân 1 tháng trong 6 tháng rưỡi đầu năm 2022 (30,94 tỷ USD), thì 5 tháng rưỡi cuối năm 2022 sẽ đạt 170,2 tỷ USD - tăng 3,2% so với cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 17,3% của 6 tháng rưỡi đầu năm. Sở dĩ giả thiết tăng thấp như vậy, vì số gốc so sánh mức bình quân 1 tháng của 5 tháng rưỡi cuối năm 2021 cao hơn nhiều so với của 6 tháng rưỡi đầu năm 2021 (30 tỷ USD so với 26,4%), làm cho tốc độ tăng thấp hơn.
Thực tế trong nửa đầu tháng 7, nhập khẩu chỉ đạt 14,3 tỷ USD, thấp xa so với mức bình quân nửa tháng trong 6,5 tháng đầu năm (15,5 tỷ USD). Theo đó, năm 2022, nhập khẩu tăng 10,4% so với 2021 - cao hơn tốc độ tăng 8% theo mục tiêu của Bộ Công thương.
Về nhập khẩu, năm 2021 đạt 332,2 tỷ USD. Trong 6 tháng rưỡi đầu năm 2022 đạt 202 tỷ USD, suy ra 6 tháng rưỡi cùng kỳ năm 2021 đạt 172,2 tỷ USD, tính ra 5 tháng rưỡi cuối năm 2021 đạt 160 tỷ USD. Dự báo trong hơn 5 tháng còn lại của năm 2022 đạt 170,9 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu. Tính chung cả năm 2022 đạt 372,9 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2021 và cao hơn tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu.
Về xuất siêu, nhập siêu, năm 2022, theo dự báo trên sẽ nhập siêu 1,6 tỷ USD, ngược chiều với mục tiêu xuất siêu 4 tỷ USD của Bộ Công thương và cao hơn mức nhập siêu 955 triệu USD trong 6 tháng rưỡi qua. Như vậy, điều cảnh báo là, sau 6 năm xuất siêu liên tục, năm nay có thể chuyển sang nhập siêu.
Cảnh báo trên đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn. Trong đó, giải pháp cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu hoặc khi xuất khẩu. Cần đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu tính gia công, lắp ráp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Rà soát xuất xứ, nhất là tình trạng “xuất khẩu hộ, tiêu thụ dùm”…