Thời sự
Năm 2025: Đột phá để về đích cả chặng đường 2021-2025
Hà Nguyễn - 03/01/2025 14:08
Năm 2025 đã bắt đầu với những kỳ vọng lớn lao về sự phát triển của nền kinh tế. Hơn thế, không chỉ là kỳ vọng, đó còn là nhiệm vụ, là “mệnh lệnh” của nền kinh tế. Không còn cách nào khác, năm 2025 phải là năm tăng tốc, bứt phá để về đích.

Về đích Kế hoạch 2025 cũng là về đích Kế hoạch 5 năm, bởi đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong 5 năm đó, nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, từ đại dịch Covid-19 đến biến động khôn lường của tình hình địa - chính trị toàn cầu. Thế nên, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại đáng kể, có năm chỉ đạt trên 2,58%; cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư thì bộn bề trong gian khó, nhiều nơi phải đóng cửa, dừng hoạt động…

Dù kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng 7% - là mức tăng trưởng cao trong khu vực và cả trên toàn cầu, quỹ đạo tăng trưởng đã quay trở về thời điểm trước dịch, nhưng mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% cho cả giai đoạn vẫn là thách thức không nhỏ. Nếu không tăng tốc, bứt phá, không thể về đích Kế hoạch 5 năm, thì càng không thể tạo nền tảng, tiền đề để chuẩn bị cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.

Đấy là chưa kể, năm 2025 còn là thời điểm đánh dấu 95 năm thành lập Đảng, 80 năm đất nước giành độc lập, 50 năm non sông liền một dải, 40 năm Đổi mới, 30 năm gia nhập ASEAN… Gắn với mỗi dấu mốc quan trọng đó, luôn có những kỳ vọng lớn lao về những thành tựu của nền kinh tế.

Chưa kể, các dấu mốc 100 năm thành lập Đảng (năm  2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045) cũng thế, mục tiêu đã được đặt ra, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tổng Bí thư Tô Lâm, gần đây còn nhấn mạnh về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Bởi thế, 2025 càng là năm phải tăng tốc, bứt phá để chuẩn bị nền tảng cho sự đột phá của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Cơ hội ngàn năm có một của nền kinh tế đã đến. Hoặc đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu, hoặc bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.

Thấu hiểu “mệnh lệnh” đó của nền kinh tế, Chính phủ đã rất quyết liệt khi đặt ra mục tiêu mới cho kinh tế năm 2025, dù Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng của năm nay ở mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Chuyện có lẽ chưa từng có, là chỉ trong vòng 2 tuần, khi năm mới còn chưa bắt đầu, Thủ tướng Chính phủ đã ra 2 công điện về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ban đầu, mục tiêu phấn đấu là trên 8%, nhưng giờ đây, là tăng trưởng hai con số, tức phải đạt trên 10%. Đây cũng chính là điều cần phải đạt được trong vòng ít nhất 20 năm tới, để Việt Nam có thể tiến đến con đường cường thịnh vào năm 2045.

Một nhiệm vụ vô cùng nặng nề và thách thức, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định, ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế và thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Nhưng không có con đường nào khác. Muốn đất nước đi lên, muốn hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc, thì phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Bắt đầu bằng việc tiếp tục tập trung vào các đột phá chiến lược, trong đó, thể chế chính là đột phá của đột phá, để làm sao tăng trưởng kinh tế 2025 đạt mức 2 con số. Bằng việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách, để tạo thuận lợi cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Bằng việc làm mới mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI. Bằng cả việc khơi thông các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung phát triển các dự án hạ tầng chiến lược, rồi thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho khu vực doanh nghiệp, mà cả khu vực tư nhân phát triển…

Mỗi nhiệm vụ được đặt ra đều cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và nỗ lực, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Năm 2025 đã bắt đầu, giờ là lúc bắt tay vào hành động, vì sự tăng tốc, đột phá của nền kinh tế, của dân tộc và đất nước.

Tin liên quan
Tin khác